Tiêu điểm thế giới

Đằng sau lý do ông Putin chưa vội chúc mừng chiến thắng của ông Biden

Việc Tổng thống Putin im lặng trước thông tin ông Joe Biden chiến thắng bầu cử Mỹ được cho là nói lên nhiều điều.

Ông Putin chưa đưa ra bình luận nào về cuộc bầu cử Mỹ năm nay.

Lý do ông Putin chưa chúc mừng

Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng chúc mừng ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành đủ phiếu bầu trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, Nga đã quyết định không làm như vậy. Động thái này được cho là nói lên nhiều điều, theo CNBC.

Các nhà phân tích lưu ý rằng trong khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu chúc mừng ông Biden, bày tỏ mong muốn hàn gắn quan hệ căng thẳng trước đây với Mỹ và hợp tác tích cực với chính quyền mới, Nga không bình luận về kết quả bầu cử cuối tuần qua, cũng như không có thông điệp chúc mừng nào từ Tổng thống Vladimir Putin .

Điều này đánh dấu một sự thay đổi trái ngược so với cuộc bầu cử năm 2016 khi Điện Kremlin chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Donald Trump rất nhanh chóng.

Hôm 8/11, Điện Kremlin đã đưa ra một tuyên bố thận trọng, khi phát ngôn viên Dmitry Peskov nói rằng nước này sẽ chờ kết quả chính thức của cuộc bầu cử trước khi bình luận về kết quả, đồng thời ghi nhận tuyên bố của ông Trump về các quy trình pháp lý liên quan đến cuộc bỏ phiếu.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng làm việc với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Mỹ và Nga hy vọng nước này có thể thiết lập đối thoại với chính quyền mới của Mỹ và tìm cách bình thường hóa quan hệ.

Việc Nga chưa vội gửi lời chúc mừng đến ông Biden đã trở thành chủ đề thảo luận đối với giới quan sát.

"Hãy nghĩ rằng ông Putin đang cố gắng gửi thông điệp về một nước Nga không quan tâm đến những gì xảy ra ở Mỹ - bằng cách nào đó Nga vẫn là ưu tiên hơn tất cả", Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management nêu quan điểm.

Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, các nhà phân tích phương Tây vẫn nhận định nước Nga đã có được những “ưu ái” từ Nhà Trắng, xuất phát từ mối quan hệ thân thiện giữa ông Trump và ông Putin.

Giới chính trị Mỹ cũng ám chỉ việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 để giúp ông Trump lên nắm quyền, điều mà Moscow đã nhiều lần phản đối kịch liệt.

Tổng thống Trump từng gây sóng gió vào năm 2018 sau cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao với ông Putin tại Helsinki. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông tin lời người đồng cấp Nga khi bác bỏ cáo buộc can thiệp trong cuộc bỏ phiếu năm 2016, đi ngược với tuyên bố từ cộng đồng tình báo Mỹ.

Các nhà quan sát nhận định, với việc ông Trump rời Nhà Trắng, quan hệ Mỹ-Nga sẽ có những thay đổi so với trước.

Trước khi có kết quả bầu cử, nhiều quan điểm cho rằng rằng một chiến thắng của ông Biden sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Moscow, đồng thời tăng khả năng bị trừng phạt mới đối với Nga.

Củng cố đồng minh

Tổng thống Putin.

Bất kỳ sự nới lỏng trừng phạt kinh tế nào của Mỹ đối với Nga đều có thể gắn liền với tiến độ giải quyết xung đột đối với vấn đề Crimea và khủng hoảng Ukraine.

Một thỏa thuận hòa bình vẫn chưa được Moscow và Kiev thống nhất, bất chấp những nỗ lực của Đức và Pháp nhằm tạo ra một dàn xếp lâu dài. Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế tại Berenberg, cho biết trọng tâm của ông Biden có thể là ngăn chặn bất kỳ động thái mới nào của Nga đối với vấn đề Ukraine.

Chuyên gia nhấn mạnh rằng với tư cách là "thành viên hàng đầu" của ủy ban chính sách đối ngoại Thượng viện, ông Biden rất thông thạo về các cuộc xung đột trong khu vực.

“Tiền lệ này cho thấy rằng ông ấy cũng sẽ có quan điểm cứng rắn đối với Nga, cố gắng ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Nga đối với Ukraine và các nước khác”, Schmieding nói với CNBC. "Biden hiểu rõ về châu Âu. Không giống như ông Trump, ông ấy không có thiện cảm với những nhà lãnh đạo kiểu như ông Putin. Ông ấy kiên quyết ủng hộ NATO và EU".

Mức độ cam kết của ông Biden trong việc bảo vệ châu Âu trước cái gọi là sự trỗi dậy của Nga sẽ được thể hiện trong lập trường của ông về NATO, liên minh quân sự mà các thành viên (đặc biệt là Đức) bị chính quyền Trump chỉ trích nhiều lần vì không chi đủ cho quốc phòng.

“Có tin đồn về một hội nghị thượng đỉnh NATO sớm được chính quyền Biden tổ chức. Điều này báo hiệu sự tối ưu của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và thay đổi những lập trường trong nhiệm kỳ của ông Trump”, Chris Skaluba, cựu quan chức quốc phòng Mỹ và là thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết.

Skaluba nói thêm rằng một điều đặc biệt cần theo dõi là liệu ông Biden có đảo ngược quyết định của ông Trump về việc loại bỏ hàng nghìn lính Mỹ khỏi Đức hay không.

“Làm như vậy sẽ làm giảm đi nguồn lực bảo đảm để răn đe Nga”, ông cho biết.