Đời sống

Lý do khiến cụ bà 76 tuổi đi ra nước tiểu màu tím kỳ lạ

Cụ bà 76 tuổi đã khiến các bác sĩ kinh ngạc khi đi ra nước tiểu màu tím. Hiện tượng này là kết quả của một phản ứng hóa học hiếm gặp.

Trên tạp chí báo cáo về các trường hợp y tế Oxford Medical Case Reports, các bác sĩ ở Kentucky (Mỹ) đã báo cáo về trường hợp nước tiểu của một người phụ nữ chuyển sang màu tím kỳ lạ do tác dụng phụ hiếm gặp của táo bón nặng và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).

Bệnh nhân 76 tuổi giấu tên bị suy tim, suy thận, ung thư bàng quang đã phải nhập viện và được đặt ống thông tiểu.

Chứng nhiễm trùng đường tiết niệu của nữ bệnh nhân đã thúc đẩy phản ứng sinh hóa tạo ra các sắc tố màu xanh và đỏ trong nước tiểu, khi bị oxy hóa trong ống thông, sẽ chuyển sang màu tím sẫm.

Các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán về hội chứng nước tiểu màu tím (PUBS), xảy ra ở 42% bệnh nhân được đặt ống thông tiểu trong thời gian dài.

Hội chứng này được các bác sĩ ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1978. Nước tiểu là môi trường kiềm, có độ pH cao. Trong môi trường đó, phản ứng hóa học của một số loại vi khuẩn sẽ tạo ra nước tiểu màu tím, theo chuyên san Annals of Long-Term Care.

Các vi khuẩn này sẽ phản ứng khi tiếp xúc với tryptophan, loại a xít amin có trong phô mai, thịt gà tây và một số thực khác. Khi tryptophan vào ruột, nó sẽ được chuyển hóa thành chất có tên là indole. Gan sẽ tiếp tục chuyển hóa indole thành chất indoxyl sulfate.

Indoxyl sulfate được đào thải qua nước tiểu. Enzyme của một số vi khuẩn sẽ phân rã indoxyl sulfate thành 2 màu là chàm và đỏ xanh. Hai màu này kết lại sẽ ra màu tím.

Hội chứng túi tiết niệu tím có khả năng xuất hiện cao hơn ở người cao tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu và được đặt ống thông tiểu trong thời gian. Ngoài ra, những người bị táo bón, suy thận mạn tính và là phụ nữ cũng có nguy cơ cao gặp hội chứng túi tiết niệu tím, theo chuyên san BMJ.

Nước tiểu chuyển sang màu tím có thể khiến người bệnh lo sợ. Tuy nhiên, hội chứng túi tiết niệu tím lại là lành tính và không đáng phải lo ngại.

Các bác sĩ cho biết: Để điều trị hội chứng nước tiểu màu tím cần phải thay ống thông tiểu và sử dụng liệu pháp kháng sinh thích hợp để điều trị nhiễm khuẩn tiềm ẩn, theo Daily Mail.

Đối với trường hợp trên, bệnh nhân vốn có tiền sử lâu dài mắc các bệnh nghiêm trọng, bao gồm suy tim sung huyết, bệnh thận mạn tính và ung thư bàng quang.

Để dẫn lưu bàng quang cho bà, các bác sĩ đã đặt ống thông và sau đó điều trị bằng thuốc để giảm sưng do suy tim sung huyết.

Sau 4 ngày nằm viện, nước tiểu của bệnh nhân chuyển sang màu tím đậm. Thử nghiệm cho thấy nước tiểu của bà có tính kiềm cực cao - dấu hiệu cho thấy thận hoạt động không bình thường.

Theo Daily Mail, sau khi được điều trị theo liệu trình kháng sinh kéo dài 5 ngày, bệnh nhân đã được xuất viện.

Minh Hoa (t/h)