Cuộc sống số

Lý do Forbes khuyên người dùng ngưng sử dụng Messenger Facebook

Các tin nhắn của người dùng trên Messenger có thể bị Facebook giám sát.

Từ trước đến nay, vấn đề bảo mật thông tin người dùng, nội dung các cuộc trò chuyện trên Messenger Facebook vẫn là điểm nóng vì câu chuyện bảo mật. 

Vào tháng 5, ông Ken McCallum, người đứng đầu cơ quan an ninh MI5 của Anh cho biết việc trì trệ nâng cấp bảo mật của Facebook có thể khiến các vấn nạn trên mạng trở nên trầm trọng hơn.

Tờ Forbes nhận định việc Facebook không mã hóa tin nhắn trên Messenger là không tôn trọng dữ liệu người dùng. Vào năm 2018, trong bài phỏng vấn, CEO Mark Zuckerberg thừa nhận công ty này có thể nhận biết những tin nhắn có nội dung nhạy cảm, và chặn người dùng gửi các tin nhắn như vậy. 

(Messenger đang thu thập một lượng dữ liệu người dùng vô cùng khủng khiếp. Ảnh: Vietnamnet)

Hay nói theo cách khác, Facebook vẫn "giám sát" nội dung của người dùng và bạn sẽ nhận ra thông tin cá nhân, y tế, tài chính vẫn nằm trong lượng lớn các trường dữ liệu mà Facebook thu thập qua nền tảng Messenger.

Facebook cố tình kéo dài thời gian nâng cấp bảo mật chỉ như một cách nhằm bảo vệ WhatsApp. Hiện nay, 3 nền tảng thuộc sở hữu của Facebook là Messenger, Instagram và WhapsApp đang phục vụ tới hơn 50% dân số toàn cầu.

Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin WhatsApp - cũng thuộc sở hữu của Facebook - lại có tính năng mã hóa đầu cuối. Ngoài những người trong cuộc trò chuyện, không ai, kể cả Facebook, có thể biết được nội dung tin nhắn.

Thứ 2, một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng người xấu tiếp cận trẻ em thông qua Messenger đang được đặt ở tình trạng nguy cấp, bởi hiện nay, Messenger cho phép mọi người nhắn tin cho nhau mà không cần lưu số điện thoại hoặc kết bạn từ trước.

Theo Tổ chức bảo vệ quyền trẻ em - NSPCC (National Society for the Prevention of Cruelty to Children), tính năng trò chuyện trên khiến nhiều người lớn có thể tiếp cận trẻ em qua Messenger, dẫn tới những vụ lạm dụng không đáng có.

Sẽ bảo mật và an toàn hơn khi các cuộc trò chuyện có thể diễn ra với những người đã lưu số điện thoại của nhau mới có thể nhắn tin.

Việc mã hóa Messenger gần như là một động thái không hề tồn tại và điều duy nhất Facebook đang làm là cố gắng kiểm soát các nội dung độc hại.

Năm 2019, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, cho rằng việc nhắn tin riêng tư sẽ dần trở thành một thói quen mới, thay thế nhu cầu chia sẻ mọi thứ, mọi nơi một cách công khai.  

Ở diễn biến khác, năm 2020, Facebook hứa hẹn với công chúng và các nhà lập pháp rằng họ đang nỗ lực mã hóa đầu cuối mặc định cho Messenger, đồng thời nỗ lực tạo ra một nền tảng giao tiếp rộng rãi và riêng tư để người dùng có thể gửi thông tin y tế và tài chính mà không sợ nó rơi vào tay kẻ trộm danh tính hay những người xấu.

Vì vậy, lời khuyên mà Forbes đưa ra là nếu vẫn đang sử dụng Messenger Facebook hoặc Direct Message trên Instagram cho những vấn đề cá nhân ngoài việc liên lạc thông thường, đã đến lúc chuyển sang ứng dụng có mã hóa, như WhatsApp, Signal... Người dùng có thể lựa chọn WhatsApp vì sự tiện dụng, hoặc chọn Signal nếu ưu tiên việc liên lạc theo nhóm.

Diệu Minh (Tổng hợp từ Zing/Infonet)