Tiêu điểm thế giới

Lý do có thể khiến S-300 của Nga bất ngờ “lọt” vào tay Mỹ và xuất hiện trên thao trường quân sự

Một bức ảnh chụp từ vệ tinh được cho là hệ thống phòng thủ tân tiến S-300 đang hoạt động tại một thao trường quân sự ở “đâu đó tại Mỹ”. Mỹ đã bí mật mua ít nhất một tổ hợp S-300 từ Belarus vào năm 1994 cùng với các thiết bị điện, radar và những bộ phận còn thiếu sau đó được bổ sung.

Theo Sputnik, một blogger quân sự mới đây đã đăng tải một bức ảnh chụp từ vệ tinh mà ông tin đó chính là hệ thống phòng thủ tân tiến S-300 đang hoạt động tại một thao trường quân sự ở “đâu đó tại Mỹ”.

Bức ảnh cũng cho thấy một số bộ phận của hệ thống này trong đó có bệ phóng 5P85PT và hệ thống điều khiển hỏa lực 30N6.

Tuy nhiên, blogger này chỉ tập trung phân tích dữ liệu hình ảnh, sử dụng Google Earth chứ không đưa ra bất cứ thông tin nào về vị trí lắp đặt của hệ thống S-300 với những thông tin chi tiết về việc hệ thống này đã sẵn sàng hoạt động hay chỉ là mô hình.

Những hình ảnh vệ tinh bí ẩn khiến truyền thông Nga nghi ngờ quân đội Mỹ đang tiến hành thêm các bài thử nghiệm để chuẩn bị cho chiến dịch can thiệp quân sự nhằm vào Venezuela, nước có ít nhất 2 hệ thống S-300VMS, phiên bản cải tiến của S-300.

Hệ thống phòng thủ tân tiến S-300 của Nga khiến nhiều nước lo ngại

Ngoài Venezuela, S-300 cũng được một số đồng minh NATO của Mỹ sử dụng như Bulgaria, Slovakia và Hy Lạp. Mỹ đã bí mật mua ít nhất một tổ hợp S-300 từ Belarus vào năm 1994 cùng với các thiết bị điện, radar và những bộ phận còn thiếu sau đó được bổ sung.

Tổ hợp S-300 vẫn đang được một số thành viên NATO triển khai. Và đây có thể là lý do giải thích vì sao S-300 của Nga lại xuất hiện trên lãnh thổ Mỹ.

Còn theo tờ New York Times, hồi năm 1994, cơ quan tình báo quân sự Mỹ đã mua “các linh kiện” của S-300 theo một thỏa thuận bí mật nhằm nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.

Việc Lầu Năm Góc quan tâm tới những công nghệ quân sự được phát triển dưới thời Liên Xô cũ đã không còn là chuyện mới lạ. Hồi tháng 10/2018, các chuyên gia quân sự Mỹ và Israel được cho đã có chuyến đi bí mật tới Ukraine để nghiên cứu và thử nghiệm những hệ thống S-300 được triển khai tại đây.

S-300 được quân đội Liên Xô giới thiệu vào năm 1978 và được chuyển cho nhiều nước trong những phiên bản khác nhau từ đó. Nga bắt đầu nâng cấp hệ thống phòng không của mình từ những năm 2000 và phiên bản S-400 ra đời năm 2007. Nga có khoảng 2,000 bệ phóng của tất cả các phiên bản. Những phiên bản cập nhật được cải tiến hệ thống điện, radar và phạm vi hoạt động.

S-300 là một loạt các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa Nga do Tổng công ty khoa học công nghiệp Almaz sản xuất dựa trên phiên bản S-300P đầu tiên. Hệ thống S-300 ban đầu được phát triển để tăng cường khả năng chống lại máy bay và tên lửa hành trình đối phương cho Lực lượng Phòng không Xô viết. Các biến thể sau đó được phát triển để đánh chặn cả tên lửa đạn đạo chiến thuật. Có 3 biến thể trong họ S-300 là S-300V, S-300P và S-300F.

Hoạt động của S-300 được tự động hóa hoàn toàn, và hệ thống này có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu trên không cùng một lúc. Nó cũng có thể dễ dàng và nhanh chóng thay đổi các vị trí khai hỏa để tránh trở thành mục tiêu tấn công trả đũa của quân địch.

Các biến thể xuất khẩu của S-300 có khả năng tương thích với các hệ thống phòng không gốc của Nga, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đang lên kế hoạch hợp nhất các hệ thống phòng không Syria với thiết bị vũ khí của Nga tại Syria. Điều này cho phép khả năng nhận diện ta – địch với các máy bay Nga bay trên bầu trời Syria, đồng thời cho phép Syria sử dụng dữ liệu từ các trạm radar Nga để phát hiện mục tiêu kẻ thù.

Xem thêm >> Israel sẵn sàng hủy diệt S-300 dù do người Syria hay người Nga điều khiển?