Thể thao

Lý do các thương hiệu nổi tiếng đang chi mạnh cho Esports

Esports đang là ngành công nghiệp thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư, khi mà lượng người tham gia vào thế giới này đang tăng một cách chóng mặt.

Số lượng người đam mê Esports trên toàn cầu rất lớn, theo thống kê từ Newzoo (một trang phân tích dữ liệu Esports uy tín thế giới), khán giả của thể thao điện tử là 495,0 triệu người trên toàn cầu vào năm 2020. Những người đam mê thể thao điện tử sẽ chiếm 222,9 triệu người trong số này, tăng 25 triệu mỗi năm và sẽ tăng với tốc độ CAGR (2018–2023) là + 11,3% lên 295,4 triệu trong năm 2023. Trong khi đó, số lượng người xem không thường xuyên trên toàn cầu đạt 272,2 triệu vào năm 2020, tăng so với 245,2 triệu của năm 2019. Con số này sẽ tăng với tốc độ CAGR (2018–2023) là + 9,6% lên 351,1 triệu vào năm 2023.

Cũng theo Newzoo, tại Đông Nam Á, Esports phát triển nhất tại 6 quốc gia (hay còn được gọi là Big Six) là Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore. Báo cáo cho biết 6 quốc gia này chiếm 99% tổng doanh thu toàn khu vực.

Đông Nam Á là khu vực phát triển nhanh nhất của Esports.

Nhà tài trợ rót tiền cho những công ty Esports để đổi lại việc thương hiệu được xuất hiện trên áo của game thủ hay trong các buổi livestream, sự kiện và buổi chụp hình. Sự tăng trưởng đã giúp tăng tính đa dạng giữa các nhà tài trợ. Họ đến từ mọi lĩnh vực kinh doanh từ đồ ăn, thức uống, đến trang phục thể thao. Ví dụ điển hình nhất là thương hiệu Louis Vuitton kết hợp cùng giải đấu Chung kết thế giới của bộ môn Liên minh huyền thoại. Theo đó, Louis Vuitton thiết kế một chiếc vali đựng Cup dành cho đội tuyển vô địch, đồng thời tham gia thiết kế một trang phục độc nhất vô nhị – và nó đã trở thành một bộ trang phục đẳng cấp nhất từng xuất hiện trong game Liên minh huyền thoại.

Louis Vuitton tài trợ cho CKTG 2019 túi đựng cup.

Louis Vuitton tài trợ cho CKTG 2019 cả những bộ trang phục đẳng cấp.

Một thương hiệu đình đám thế giới - Nike bắt đầu bước chân vào Esports vào năm 2019 khi ký hợp đồng tài trợ giải League of Legends Pro League (LPL) tại Trung Quốc trong 4 năm. Tuy nhiên đến năm 2020 lần đầu tiên Nike tài trợ một đội tuyển Esports đó là đội tuyển T1 của giải đấu Liên minh huyền thoại Hàn Quốc. Ngoài trang phục, Nike sẽ cung cấp những thiết bị, công nghệ giúp huấn luyện viên, trợ lý đội tuyển nắm bắt tình hình sức khỏe các tuyển thủ để đưa ra thời gian tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp. Trước đó khi theo dõi các game thủ Trung Quốc, Nike cho thấy hạn chế về chuyển động làm tăng khả năng chấn thương.

Video ra mắt nhà tài trợ Nike của đội tuyển Esports nổi tiếng nhất Hàn Quốc - T1.

Tại Việt Nam, cũng có rất nhiều những doanh nghiệp, nhãn hàng nổi tiếng tham gia đầu tư vào Esports. Chúng ta có thể kể đến những đội tuyển của bộ môn Liên minh huyền thoại Việt Nam như: GAM Esports, Team Flash, Team Secret,...những đội tuyển này đứng sau thành công của họ đều là những thương hiệu khủng như Vietjet, Logitech, Gigabyte, Traveloka, Biti’s Hunter,...cách làm truyền thông cực kỳ đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cực cao, bằng việc logo các nhãn hàng, thương hiệu đều được đặt rất nhiều nơi trong hệ sinh thái của các đội tuyển Esports (Các fanpage, youtube,...)

Đội tuyển GAM Esports là đại sứ thương hiệu của Logitech G.

Thương hiệu dầu nhớt Castrol POWER1 cũng đánh dấu lần đầu tiên tham gia vào lĩnh vực Esports khi trở thành nhà tài trợ cho giải đấu danh giá nhất của Liên Quân Mobile Việt Nam - Đấu Trường Danh Vọng mùa Xuân 2021.Đấu Trường Danh Vọng mùa Xuân 2021 là mùa giải thứ 10 thuộc hệ thống giải đấu chuyên nghiệp cấp cao nhất của bộ môn Liên quân Mobile tại Việt Nam.

Castrol POWER 1 là nhà tài trợ chính thức của Đấu trường danh vọng mùa xuân 2021.

Có thể thấy thị trường Esports đang mang lại sự “béo bở” cho tất cả các nhà đầu tư, khi mà tình hình dịch bệnh vẫn chưa được cải thiện, thì Esports đang nổi lên kéo lại tất cả. Tuy chưa có nhà đầu tư Esports nào công bố doanh số của họ ở thị trường Việt Nam nhưng với lượng người xem ước tính tăng đến 26 triệu, chắc chắn nhu cầu giải trí ngày càng cao, tạo điều kiện cho các content creator (nhà sáng tạo nội dung), các kênh truyền thông và nhà tổ chức sự kiện Esports tham gia thị trường.

Chắc chắn những thành công mà Esports mang lại cho các nhà đầu tư là không nhỏ, khi ngày càng có nhiều các hợp đồng đến với bộ môn này. Theo thống kê từ Newzoo, số lượng các thương hiệu tham gia vào thị trường thể thao điện tử đang tăng lên với 310 hợp đồng Esports được ký kết vào năm 2019, tăng lên gấp 3 lần so với con số của năm 2018. Mặc dù có nhiều thương hiệu trong số này làm về các lĩnh vực không liên quan đến game, tuy nhiên vẫn chiếm tới 63% tổng số giao dịch.

Khai thác các mối quan hệ này giúp các marketers tạo ra liên kết thương hiệu tích cực với các khán giả trẻ – đối tượng đang ngày càng trở nên khó tiếp cận nhưng biết nhắm mục tiêu chính xác, họ có thể trở thành người hâm mộ suốt đời.