Đời sống

Lý do các bức tượng cổ Hy Lạp thường khỏa thân

Nhiều bức tượng Hy Lạp được trưng bày trong bảo tàng đều khắc họa con người trong trạng thái khỏa thân, thậm chí để lộ những bộ phận nhạy cảm. Tại sao lại như vậy?

Người Hy Lạp cổ đại nổi tiếng với việc tạo ra cũng như phổ thông hóa những khái niệm hiện đại về cơ thể con người. Nổi bật trong đó là ý tưởng và triết lý về cái đẹp của con người hay các vị thần được thể hiện qua những bức tượng khỏa thân. Từ những chiến binh hy sinh trong trận chiến Trojan đến các vận động viên ném đĩa hay các nữ thần đều trong tình trạng... không mặc quần áo.

Có ý kiến cho rằng khỏa thân phản ánh một nghi thức cổ xưa với mục đích đánh dấu việc bước vào giai đoạn trưởng thành, khi con người cởi bỏ chiếc “áo choàng trẻ con” lúc 20 tuổi. Khi đó, họ sẽ chạy khỏa thân hòa mình vào đám đông công dân trưởng thành.

Tượng David khỏa thân khiến không ít du khách vội quay mặt đi xấu hổ trong lần đầu chiêm ngưỡng.

Trong khi đó theo nhiều nhà sử học, khỏa thân ở Hy Lạp từng được coi là đại diện cho sức mạnh hoặc có tính chất anh hùng. Chính vì vậy nhân vật được chọn để khắc tượng thường là các vị thần, vận động viên thể thao hoặc những người nổi tiếng, có địa vị xã hội. Đây là một quan niệm đóng vai trò quan trọng và giải thích lý do tại sao nghệ thuật này ở Hy Lạp vẫn rất phổ biến, mà không trở nên dung tục.

Đối với người Hy Lạp cổ đại, khỏa thân được coi là dấu hiệu của phẩm hạnh đạo đức, vẻ đẹp vượt thời gian và chủ nghĩa anh hùng thay vì sự yếu đuối, xấu hổ, hoặc bị sỉ nhục như ở một số quốc gia khác.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Bảo tàng Anh, cho biết: "Người Hy Lạp không xem những ảnh khỏa thân là dấu hiệu của sự sỉ nhục mà tượng trưng cho đạo đức đối với những người đàn ông ưu tú trong xã hội. Khi một chàng thanh niên cởi bỏ quần áo để thi đấu trong các kỳ Olympic cổ đại, anh ta không đơn thuần là trần truồng trước các đối thủ mà đang khoác trên mình “đồng phục” của sự ngay thẳng".

Với quan niệm này, các nhà điêu khắc đã tạo ra các tác phẩm nhằm lột tả giá trị tích cực như thần thái, sức mạnh, sự chiến thắng và lòng trắc ẩn một cách đầy nghệ thuật.

Bên cạnh đó, những chi tiết nhỏ như mảnh quần áo, đồ trang sức, hình xăm,… được thêm vào một cách tương đối "tiết kiệm" vì tạc người hoặc vị thần trong tình trạng khỏa thân được coi là thể hiện giá trị trung thực của nhân vật.

Để có được những tác phẩm hoàn hảo nhất, các nghệ sĩ điêu khắc buộc phải quan sát rất kỹ cơ thể con người. Thậm chí có những người mẫu được tuyển chọn để khỏa thân và tạo dáng để các nghệ sĩ nghiên cứu từng chi tiết và các hình thái cơ thể khác nhau.

Vào thời kỳ đó, không hề có sự phân chia giữa nghệ thuật và khoa học. Các nhà triết học, khoa học và nghệ sĩ liên tục chuyển đổi, giao thoa trong quá trình khám phá những ý tưởng.

Các nghệ sĩ và nhà khoa học thậm chí phải mổ xẻ thi thể để tìm hiểu cấu tạo và cách thức hoạt động của cơ thể một cách chi tiết như nhóm cơ nào được sử dụng khi nắm chặt tay, ngón giữa dài hơn ngón trỏ bao nhiêu... Tất cả nhằm đảm bảo tác phẩm điêu khắc chạm tới ngưỡng hoàn mỹ. Với những người nghệ sĩ, chỉ một bộ phận hoặc một phần của mảnh ghép không đúng tỉ lệ, nó có thể làm hỏng cả một tuyệt tác.

Chính vì vậy ngày nay chúng ta mới được chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc chính xác tuyệt đối về mặt giải phẫu với từng múi cơ, lọn tóc, độ dài ngắn các khớp... được tái hiện với độ chính xác cao.

Những nỗ lực và nghiên cứu khoa học để tạo ra các bức tượng và tác phẩm hoàn mỹ cũng đã mang lại cho các nghệ sĩ sự công nhận và địa vị cao hơn trong xã hội, thậm chí ngang hàng với tầng lớp trí thức và triết gia ở Hy Lạp.

Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Infonet)