Chính sách

Lý do bộ Nội vụ đề nghị tạm ngừng sáp nhập các sở, ngành

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành tạm ngừng sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký văn bản đề nghị các tỉnh, thành tạm dừng việc sáp nhập các sở, ngành, phòng ban tại các địa phương (ảnh: Gia Hân).

Trong văn bản nêu rõ, để thực hiện nghị quyết Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo Nghị định về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện.

Hiện 2 dự thảo này đã trình Chính phủ và báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan tới khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện một cách phù hợp.

Theo Bộ Nội vụ, đây là 2 nghị định làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Và trong khi Chính phủ chưa ban hành 2 nghị định này, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Trước đó trong tháng 4, Bộ Nội vụ đã công bố dự thảo tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành để lấy ý kiến.

Trong dự thảo ban đầu, với 17 sở đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là 4 sở được đề xuất giữ nguyên gồm Tư pháp, Tài nguyên Môi trường, Lao động Thương binh Xã hội và Y tế.

Nhóm thứ hai là 10 sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông.

Nhóm thứ ba là các cơ quan cũng được đề xuất giao cho cấp tỉnh chủ động giữ ổn định hoặc thí điểm hợp nhất, cụ thể: Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh, thành ủy; Thanh tra tỉnh với Ủy ban kiểm tra tỉnh, thành ủy; Văn phòng UBND tỉnh với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương, trong đó có Sở Quy hoạch – Kiến trúc thuộc UBND TP.Hà Nội và TP.HCM; 3 sở khác do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch (căn cứ vào tiêu chí, các tỉnh chủ động thành lập hoặc không).

Lào Cai là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện sáp nhập hai sở Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng. Sau đó, Hà Giang cũng quyết định thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức - Nội vụ; Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành cơ quan Kiểm tra - Thanh tra tỉnh; Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh hợp thành Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh.

Bá Di (Tổng hợp)