Tiêu điểm thế giới

Lý do bất ngờ sau việc TT Biden hạ lệnh ngừng không kích Syria lần 2 vào phút chót

Cố vấn an ninh Jake Sullivan báo cáo với ông Biden rằng có một người phụ nữ và trẻ em đang trên đường tới gần mục tiêu tấn công tại Syria. Cuộc không kích bị hủy bỏ.

Theo WSJ, sau 10 ngày cân nhắc, Tổng thống Biden đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc tiến hành các cuộc không kích vào hai mục tiêu bên trong Syria vào ngày 26/2. Trước cuộc tấn công khoảng 30 phút, một phụ tá đưa ra cảnh báo khẩn cấp.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan báo cáo với nhà lãnh đạo Mỹ rằng có một người phụ nữ và trẻ em đang trên đường tới gần mục tiêu tấn công tại Syria.

Với thông tin tình báo nhận ngay tức thì, Tổng thống Biden đã có cuộc gọi khẩn hủy cuộc không kích thứ hai.

Tình tiết chưa được tiết lộ trước đây liên quan đến việc sử dụng vũ lực lần đầu tiên được biết đến của ông Biden với tư cách là tổng tư lệnh là một bất ngờ mà trong đó chính quyền Biden tìm cách cân bằng các lợi ích cạnh tranh ở Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Biden 

Các quan chức chính quyền cấp cao cho biết, mục đích của cuộc tấn công là để báo hiệu cho Iran rằng đội ngũ mới của Nhà Trắng đáp trả một cuộc tấn công bằng tên lửa vào ngày 15 tháng 2 ở miền bắc Iraq chống lại liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Ngay sau cuộc tấn công của Iran nhằm vào căn cứ Mỹ, một loạt cuộc họp khẩn diễn ra trong Nhà Trắng với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Phó Tổng thống Kamala Harris, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cùng các quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng.

Đến 23/2, Lầu Năm Góc đưa ra một danh sách các phương án phản ứng. Tổng thống Biden đã đưa ra quyết định cuối cùng sau cuộc họp kéo dài hàng giờ tại Phòng Tình huống với Phó Tổng thống Harris và các quan chức cấp cao khác.

Để củng cố quan điểm, một thông điệp mật đã được gửi tới Tehran sau cuộc không kích của Mỹ, các quan chức chính quyền tiết lộ, mà không cung cấp chi tiết.

“Chúng tôi đã có một kế hoạch ngoại giao và quân sự phối hợp khá chặt chẽ ở đây,” một quan chức chính quyền nói. "Chúng tôi đảm bảo rằng người Iran biết ý định của chúng tôi là gì."

Một mục tiêu quan trọng khác là tránh làm suy yếu vị thế chính trị của Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, người mà Washington coi như một đối tác trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và có thể sẽ phải đối mặt với chỉ trích ở quê nhà nếu các cuộc tấn công xảy ra trên lãnh thổ Iraq, các quan chức cho biết thêm.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng, các quan chức Nhà Trắng kỳ vọng chính quyền Biden sẽ có hướng xử lý mới với các nhóm dân quân Shiite, lực lượng được Iran bảo trợ, trong khu vực.

Lực lượng Mỹ đã trở lại Iraq để cố vấn cho các lực lượng Iraq sau khi các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo chiếm Mosul vào tháng 6 năm 2014.

Sau khi đế chế tự phong của tổ chức Nhà nước Hồi giáo bị phá hủy và chính quyền ông Trump áp đặt chiến dịch gây áp lực tối đa để cố gắng khôi phục chương trình hạt nhân của Iran, một lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn vào năm 2019 đã phóng tên lửa vào một căn cứ nơi lực lượng liên minh và Mỹ được triển khai, làm thiệt mạng một nhà thầu của Mỹ.

Nỗi lo về các cuộc tấn công trong tương lai đã khiến chính quyền Trump thực hiện một loạt cuộc không kích ở Syria và Iraq, trong đó có một cuộc không kích ở Baghdad khiến chỉ huy quân đội Iran Qassem Soleimani thiệt mạng.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công bằng tên lửa ở Iraq vẫn tiếp tục, bao gồm một cuộc tấn công vào tháng 3 năm 2020 tại Trại Taji, giết chết hai lính Mỹ và một binh sĩ Anh, dẫn đến cuộc tấn công trả đũa của Mỹ hai ngày sau đó.

Một ngày sau cuộc không kích vào Syria, Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng cuộc tấn công là lời nhắc nhở Iran không thể "hành động thiếu suy nghĩ" và Tehran cần "cẩn thận" với các quyết định mà họ đưa ra trong tương lai.

Về phần mình, Iran lên án cuộc không kích của Mỹ. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran ông Saeed Khatibzadeh gọi cuộc tấn công là "hành vi gây hấn và vi phạm luật pháp quốc tế”.