Môi trường

Lý do bất ngờ khiến núi lửa phun trào tạo sóng thần kinh hoàng ở Indonesia

Cơ quan địa chất Indonesia cho biết đảo núi lửa Anak Krakatoa đã phun trào khoảng 24 phút trước khi các đợt sóng thần cao từ 3-5m ập vào bờ biển hai đảo Java, Sumatra.

Theo báo Thanh Niên, rạng sáng ngày 23/12 sóng thần tấn công bờ biển quanh eo biển Sunda của Indonesia.

Vị trí của đợt sóng thần.

Cơ quan địa chất Indonesia cho biết đảo núi lửa Anak Krakatoa đã phun trào khoảng 24 phút trước khi các đợt sóng thần cao từ 3-5m ập vào bờ biển hai đảo Java, Sumatra.

Tờ Jakarta Post dẫn lời ông Sutopo Purwo Nugroho - người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia cho biết: "400 tòa nhà, 9 khách sạn và 10 con tàu ở khu vực cũng đã bị hư hỏng nặng. Hiện tại ghi nhận có ít nhất 168 người chết, 745 người bị thương cùng hàng trăm ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn".

Nước dâng cao ập vào các tuyến đường tại những vùng ven eo biển Sunda vào rạng snsag 23/12. Ảnh: Twitter/ Oystein L. Anderse.

Hiện giới chuyên gia vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân của các đợt sóng thần. AP dẫn lời Gegar Prasetya, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Sóng thần Indonesia, phân tích lý do khả dĩ nhất là một phần lớn của sườn đảo núi lửa bị sập trong lòng biển hoặc bên trên mặt nước.

Các đơn vị phản ứng khẩn cấp đang tập hợp thông tin để xác nhận liệu núi lửa Krakatoa phun trào có chính xác là nguyên nhân gây ra sóng thần hay không.

Một đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatoa vào tháng 7 trên eo biển Sunda. Núi lửa này phun trào thêm lần nữa vào ngày 21/12, có thể là nguyên nhân gây ra sóng thần. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, giới chức Indonesia lên tiếng xin lỗi vì không kịp thời đưa ra cảnh báo sóng thần. Họ thừa nhận lúng túng trong cách xử lý vì sóng thần lần này không phải do động đất gây ra.

Hồi tháng 9, hơn 2.000 người đã thiệt mạng khi một trận động đất mạnh tấn công vào đảo Sulawesi gây sóng thần cao 6m nhấn chìm thành phố Palu.

Indonesia nằm trên khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có nhiều núi lửa và thường xuyên xảy ra động đất.

Núi lửa Anak Krakatoa (tạm dịch: Đứa con của Krakatoa) nằm tại eo biển Sunda chia cắt đảo Jaava và đảo Sumatra đã có những dấu hiệu gia tăng hoạt động từ tháng 6 và giới hữu trách hồi tháng 7 đã ra lệnh phong tỏa khu vực bán kính 2 km kể từ miệng núi lửa.

Núi lửa mẹ Krakatoa.

Năm 1883, ngọn núi lửa mẹ là Krakatoa từng phun trào, đẩy những cột tro bụi, đất đá và khói cao đến hơn 20km lên bầu trời.

Chấn động mạnh đã gây ra sóng thần cao hàng chục mét. Sự rung lắc của thảm hoạ này có thể cảm nhận được trên khắp thế giới.

Theo tờ The Independent, sức nổ tương đương 200 megaton TNT, tức gấp 13.000 lần quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima trong Thế chiến 2.

Hậu quả là ít nhất gần 37.000 người thiệt mạng, hàng trăm làng mạc, thị trấn bị xóa sổ và khiến cấu trúc địa lý của nhóm đảo Krakatoa bị thay đổi dữ dội.

Cơ quan địa chất Indonesia cho biết vào hôm 21/12, núi lửa đã phun trào trong 2 phút và 12 giây giải phóng cột tro bụi dâng cao 400m trên núi.

Cơ quan này khuyến cáo không ai được phép tiếp cận khu vực núi lửa trong vòng 2km.

Anak Krakatoa là một hòn đảo núi lửa cỡ nhỏ, cao 305m nằm ở eo biển Sunda giữa 2 đảo Java và Sumatra.

Anak Krakatoa được sinh ra từ tàn tích và dung nham của sự phun trào thảm hoạ năm 1883 của núi lửa Krakatoa.

Minh Anh (tổng hợp)