Văn hoá

Lý do bất ngờ khiến Anh sắp cấm luộc tôm hùm sống

Thả một con tôm sống vào nồi lẩu ở Anh sẽ trở thành một hành động phạm pháp, nếu tới đây Dự luật Phúc lợi Động vật mới của họ được nghị viện biểu quyết thông qua.

Mới đây, News Week đưa tin, Anh đang chuẩn bị thông qua một dự luật mới mang tên Dự luật Phúc lợi Động vật. Điều này xuất phát từ việc các nhà nghiên cứu nhận thấy tôm hùm và nhiều loài giáp xác khác (như cua) cũng là sinh vật có tri giác. Chúng trải qua cảm giác đau đớn khi bị luộc sống.

Luộc tôm hùm sống là phương pháp chế biến được nhiều nhà hàng sử dụng. Một số quốc gia đã cấm phương pháp này và Vương quốc Anh có thể là đất nước tiếp theo. (Ảnh: The Guardian).

Stephaine Yu, một nhà nghiên cứu, nhận xét: "Có những bằng chứng cho thấy động vật giáp xác là loài có tri giác. Tuy nhiên, luật giết mổ nhân đạo trên thế giới hầu hết không áp dụng với động vật giáp xác", Yu cho biết.

Cụ thể, khi luộc tôm hùm sống, loài này sẽ có cảm giác đau đớn dữ dội đến khoảng 2 phút rồi mới chết. Theo Yu, đây là một điều tàn nhẫn không cần thiết với những con tôm hùm.

Tờ Evening Standard đưa tin dự luật vẫn đang được bàn bạc trước khi ban hành. Khả năng cao, luật chính thức có thể mở rộng đối tượng ra các loài khác như bạch tuộc, cua, mực.

Thả một con tôm sống vào nồi lẩu ở Anh sẽ trở thành một hành động phạm pháp, nếu tới đây Dự luật Phúc lợi Động vật được thông qua.

Theo CNN, năm 2018 chính phủ Thụy Sĩ cũng đưa ra điều luật nghiêm cấm thả tôm hùm vào nước sôi khi chúng vẫn còn ý thức.

“Nhiều loài động vật giáp xác, bao gồm cả tôm hùm sống, không được bảo quản bằng nước đá mà phải vận chuyển trong môi trường tự nhiên”, điều luật này quy định.  Tôm hùm “phải được làm cho bất tỉnh trước khi bị giết chết”.

Cụ thể, chỉ có biện pháp chích điện hoặc dùng máy hủy não tôm hùm mới được chấp thuận. Điều luật này nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia và giới nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Robert Elwood đến từ Đại học Queen's Belfast ở Anh là người đã tiến hành nhiều nghiên cứu khẳng định động vật giáp xác và tôm hùm cảm nhận được sự đau đớn.

Trong một thí nghiệm, ông Elwood chích điện ốc mượn hồn và loài giáp xác này ngay lập tức chạy trốn khỏi mái nhà của mình.

“Với những dữ liệu mà chúng tôi có, rất có khả năng là tôm hùm biết cảm nhận đau đớn”, ông Elwood nói. “Chúng ta bảo vệ loài chim, động vật có vú, vậy tại sao không phải là tôm hùm hay cua?”.

Cuộc tranh luận về chuyện tôm hùm có biết đau hay không đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

Mặc dù vậy, khoa học về cảm giác đau của các loài động vật như tôm hùm vẫn còn là một vấn đề mơ hồ gây tranh cãi. Một số nhà khoa học cho rằng ngay cả sự vật lộn của tôm hùm trong nước sôi cũng chỉ là phản xạ cơ bản của chúng chứ không phải cảm giác đau khổ. Đó là bởi tôm hùm không sở hữu một hệ thống thần kinh phức tạp, chúng không có vỏ não để cảm nhận bất kỳ cảm giác đau thực sự nào.

Thay vào đó, mọi hành vi của tôm hùm được điều khiển bằng hệ thống tế bào hạch thần kinh rải rác khắp cơ thể giống với côn trùng. Mỗi hạch đều có thể phản ứng một cách bản năng với môi trường nước sôi, tạo ra chuyển động co quắp của chúng nhưng không gây ra cơn đau.

Cuộc tranh luận về chuyện tôm hùm có biết đau hay không đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ và vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Nhưng một số quốc gia như Thụy Sĩ, Na Uy, Áo và New Zealand đã cấm luộc sống tôm hùm.

Quốc Tiệp (t/h)