Kinh tế vĩ mô

Lưu trữ năng lượng là xu thế tất yếu khi phát triển điện tái tạo

Việc phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng ở Việt Nam khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo tăng cao là xu thế tất yếu nhằm đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định.

Lưu trữ năng lượng rất cần thiết cho hệ thống điện

Hệ thống điện Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề kỹ thuật như tình trạng quá tải lưới điện, thừa nguồn phát trong một số thời điểm, mất cân đối tại các khu vực... Điều này dẫn tới một số nguồn năng lượng tái tạo đã phải giảm hoặc ngừng phát điện tại nhiều thời điểm theo yêu cầu của an toàn vận hành hệ thống điện.  

Với cam kết “Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, việc tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo bao gồm điện gió và mặt trời trong hệ thống nguồn điện cần được hết sức ưu tiên.

Tại toạ đàm “Giải pháp lưu trữ năng lượng và ứng dụng cho các dự án tại Việt Nam” chiều 12/12, các chuyên gia năng lượng cho rằng, điện gió và điện mặt trời tuy là nguồn năng lượng sạch nhưng tính không ổn định của hai loại điện này đang gây khó khăn và làm tăng chi phí vận hành hệ thống điện Việt Nam. Do đó, việc ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng ngày càng quan trọng và cấp thiết.

Theo ông Nguyễn Văn Lượng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 5 (PECC5), công nghệ lưu trữ năng lượng có rất nhiều nhưng đối với hệ thống điện thì các công nghệ lưu trữ phổ biến hiện nay tự chung có 3 dạng chính, bao gồm: Lưu trữ quay/Tụ điện; Lưu trữ năng lượng điện hoá - BESS; Lưu trữ thuỷ điện tích năng.

Trong số 3 dạng lưu trữ trên, cùng với việc phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới và tại Việt Nam, giải pháp lưu trữ năng lượng đặc biệt là lưu trữ năng lượng điện hoá BESS được kỳ vọng là một ngành tăng trưởng mạnh với tiềm năng mở rộng thị trường lớn.

Việc phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng ở Việt Nam khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo tăng cao là xu thế tất yếu.

Ông Lượng chỉ ra rằng, việc lưu trữ năng lượng trong hệ thống điện giúp ổn định tần số, giảm yêu cầu dự phòng công suất, tăng quán tính hệ thống. Cùng với đó, góp phần giảm quá tải lưới điện, giảm thời gian giảm phát năng lượng tái tạo, tăng khả năng tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện và tăng độ linh hoạt trong vận hành hệ thống điện.

“Lưu trữ năng lượng là cần thiết cho hệ thống điện, đặc biệt khi tỉ trọng năng lượng tái tạo ngày càng cao. Tỉ trọng công suất năng lượng tái tạo tăng nhanh trong hơn 2 năm qua nhờ chính sách ưu đãi giá FIT cho phát triển điện mặt trời, điện gió. 

Ước tính năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng rất nhanh và chiếm tỉ trọng khoảng 27% về công suất điện nhưng sản lượng đóng góp của loại hình năng lượng này chỉ đạt khoảng 10,9% trong toàn hệ thống”, ông Lượng chỉ ra.

Theo Phó Tổng Giám đốc PECC5, sản lượng điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo thấp một phần là do các nhà máy điện gió, mặt trời sau khi đưa vào vận hành đã phải đối diện với việc giảm công suất phát do quá tải lưới truyền tải. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích trữ năng lượng là cấp thiết nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định và hiệu quả của loại hình điện tái tạo.

Vấn đề cốt lõi vẫn cần cơ chế đầu tư

Cũng theo ông Lượng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, lưu trữ năng lượng điện hoá BESS đã và đang trở thành một công nghệ cần thiết trong quản lý nhu cầu, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, nhất là sau Hội nghị COP26.

Ông cho rằng, việc áp dụng lưu trữ năng lượng BESS tại Việt Nam sẽ sớm được mở rộng thực hiện. Hiện nay, dù chưa có cơ chế, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có kiến nghị các dự án thí điểm.

Trên thực tế, ngày 2/4/2021, EVN đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao EVN nghiên cứu đầu tư thí điểm hệ thống BESS với mục đích chuyển dịch năng lượng, điều chỉnh tần số để xác thực tính năng thiết bị; đánh giá khả năng và tích lũy kinh nghiệm vận hành BESS trong hệ thống điện.

Cùng với đó, làm cơ sở đề xuất các cơ chế, chính sách, quy định pháp quy có liên quan đến phát triển, vận hành hệ thống BESS trong hệ thống điện. Chi phí đầu tư, vận hành thí điểm hệ thống BESS được hạch toán vào chi phí sản xuất điện của EVN hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

“Vấn đề cốt lõi vẫn là cơ chế. Muốn đầu tư thì phải có cơ chế, khi có cơ chế thì thị trường sẽ tự quyết định quy mô, thời điểm để đầu tư”, ông nói.

Bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID).

Đồng quan điểm, bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho rằng, trong các quy định hiện hành chưa đề cập đến công nghệ tích trữ năng lượng, do đó cần thiết phải có sự điểu chỉnh, bổ sung cho phép các công nghệ này tham gia vào vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Bà Khanh cho rằng, để đạt mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì các chính sách về năng lượng cần phải thúc đẩy các thành phần kinh tế với các quy mô khác nhau tham gia đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng. Có như vậy mới thay thế được nền tảng năng lượng than của hệ thống điện Việt Nam hiện nay.