Sức khỏe

Lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử trong vòng 20 năm

Các bệnh viện sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử yêu cầu phải dự trữ bản sao và lưu trữ từ 10 đến 20 năm. Đề xuất mới không dùng tiền mặt khi thanh toán viện phí.

Ảnh minh họa.

Theo lộ trình thực hiện bệnh án điện tử giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, bắt đầu từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế sẽ bắt đầu sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế cho sổ khám bệnh. 100% bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh

Cục Công nghệ thông tin (CNTT - Bộ Y tế) thông tin, hiện có 10 bệnh viện (BV) chuyên khoa và BV đa khoa triển khai hồ sơ bệnh án điện tử…

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, trường hợp lưu trữ hồ sơ bệnh án bằng bản điện tử, các BV phải có bản sao dự phòng, phải được lưu giữ 10 - 20 năm.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế giải thích hồ sơ bệnh án điện tử sẽ là một đột phá lớn trong ngành y tế, giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh; tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của các y, bác sĩ.

Theo đó, mỗi người bệnh được cấp một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dụng thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử, đồng thời, tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tiến đến triển khai việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 

PGS.TS Trần Quý Tường cho hay, khi thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, sẽ tạo thuận lợi cho cả bệnh viện và người bệnh khi đến khám, chữa bệnh.

Với bệnh viện, hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ giúp đơn giản hoá các thủ tục cho người dân; bệnh viện phục vụ bệnh nhân được tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thanh toán bằng tiền mặt; giảm bớt chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả. Từ đó, rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện và hồ sơ bệnh án điện tử.

Đối với người dân, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt không chỉ giúp bệnh nhân tiết kiệm được thời gian, không phải chờ lâu mà còn hạn chế được tình trạng bệnh nhân xếp hàng đợi thanh toán, cầm theo nhiều tiền mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Các BV sẽ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các quy định về chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong y tế; chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin BV đang được Bộ Y tế xây dựng.

Bá Di (Tổng hợp)