Bất động sản

Lùm xùm quyền kinh doanh căn hộ khách sạn: Chủ đầu tư bất nhất?

Căn hộ khách sạn - Condotel là một khái niệm không mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, loại hình mới xuất hiện này lại khiến khách hàng mua căn hộ và chủ đầu tư xung đột về lợi ích. Thực tế, tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hàng chục hộ đã khiếu nại chủ đầu tư "nói một đằng làm một nẻo".

Lệnh cấm bất ngờ

Theo tìm hiểu của PV, hơn chục cư dân tại cao ốc Dịch vụ du lịch Sơn Thịnh 2, có địa chỉ tại số 2, đường Lê Hồng Phong nối dài, phường Thắng Tam (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phản ánh, khiếu nại với chủ đầu tư về việc bị cấm kinh doanh lưu trú (dành cho khách du lịch) tại căn hộ của mình.

Những cư dân này cho biết, họ đã bỏ nhiều tỷ đồng để mua căn hộ này để ở, nghỉ dưỡng, cho thuê tại khu du lịch biển Vũng Tàu.

Ông Vũ, một người mua căn hộ tại dự án Sơn Thịnh 2 cho biết: “Hợp đồng mua bán cũng ghi rõ, đây là hợp đồng mua bán căn hộ Cao ốc Dịch vụ du lịch Sơn Thịnh. Phụ lục của hợp đồng, doanh nghiệp này còn cam kết: “Khi mua nhà, nếu chủ nhà chưa, không có nhu cầu sử dụng, chủ đầu tư sẽ thuê lại với mức giá thỏa thuận tại thời điểm đó”".

Do đó, nhiều hộ (hoặc chủ sở hữu hoặc thuê lại) đã tổ chức kinh doanh lưu trú ngắn ngày (giống khách sạn truyền thống) trong các căn hộ tại dự án này kể từ năm 2017 tới nay.

Hơn chục hộ cư dân đã có buổi làm việc với PV.

Thế nhưng mới đây, DNTN Sơn Thịnh (có trụ sở tại TP.Vũng Tàu), chủ đầu tư Cao ốc này bất ngờ ban hành thông báo cấm việc kinh doanh nói trên.

Thông báo ghi rõ: “Kể từ ngày 1/10/2018 DNTN Sơn Thịnh yêu cầu các chủ sở hữu căn hộ không sử dụng căn hộ kinh doanh cho thuê lưu trú du lịch ngắn ngày (homestay) hoặc chủ căn hộ cho người khác thuê sử dụng căn hộ kinh doanh lưu trú du lịch ngắn ngày (homestay) cho đến khi Nhà nước có văn bản quy định về việc cá nhân sở hữu căn hộ (condotel) được sử dụng căn hộ vào mục đích kinh doanh cho thuê lưu trú du lịch ngắn ngày (homestay)”.

“Kể từ ngày thông báo 1/10/2018, chủ sở hữu căn hộ kinh doanh cho thuê lưu trú du lịch ngắn ngày (homestay)... không chấp hành, DNTN Sơn Thịnh sẽ cúp điện, nước và ngừng phục vụ thang máy”, thông báo cho biết thêm.

Lo ngại PCCC

Lệnh cấm bất ngờ của chủ đầu tư đã khiến hàng chục hộ dân bức xúc. Trong buổi làm việc với PV vào ngày 25/9, tại Cao ốc Sơn Thịnh 2, ông Nguyễn Xuân Lộc, chủ căn hộ G16 cho biết: “Chúng tôi cho thuê vẫn khai báo tạm trú cho khách, bây giờ DNTN Sơn Thịnh thông báo cấm như vậy là không đúng. Chúng tôi có quyền với tài sản của mình”.

Trong khi đó, vợ chồng ông Trần Đức Phúc, chủ căn hộ C7 thông tin thêm: “Biết chúng tôi kinh doanh lưu trú ngắn ngày, trước đây, chủ đầu tư đã tăng phí dịch vụ vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật (cao điểm) từ 2.000 đồng/m² lên thành 10.000 đồng/m² và giá nước từ 14.000 đồng/khối lên thành 16.000 đồng/khối”.

“Chủ đầu tư phải thành lập ban quản trị chung cư và trước khi làm bất cứ việc gì cũng phải họp và thông báo cho cư dân biết trước, chứ không thể cứ ra thông báo như thế là cấm”, ông Lộc nói thêm.

Cao ốc Sơn Thịnh 2 vẫn chưa rõ tính pháp lý là chung cư hay condotel?

Trước các vấn đề nêu trên, cư dân bày tỏ nguyện vọng được đối thoại với chủ đầu tư. “Mong muốn của chúng tôi là được đối thoại với chủ đầu tư, dù đã yêu cầu nhưng chưa có buổi đối thoại nào diễn ra với cư dân. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn thuê căn hộ để kinh doanh lưu trú theo dạng condotel”, ông Tô Ly Lưu, chủ căn hộ 17M chia sẻ.

Để làm rõ thông tin, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Công Bình, chủ DNTN Sơn Thịnh. Ông Bình lý giải việc đưa ra lệnh cấm: “Tình trạng người thuê căn hộ lưu trú du lịch ngắn ngày gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn và đặc biệt là PCCC... Do đó, để đảm bảo các vấn đề nêu trên và đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ tài sản cho cư dân tại toà nhà Sơn Thịnh 2, chúng tôi phải thông báo cấm như trên”.

"Những người đang kinh doanh lưu trú ngắn ngày nói trên chủ yếu là những người thuê lại căn hộ của người khác và có hơn chục hộ. Bất chấp lợi nhuận, họ cứ để cho khách vào quá đông, không thể kiểm soát… Thậm chí, họ cho tới 1 xe 24 chỗ ngồi (khoảng hơn 20 người) vào nghỉ trong căn hộ chỉ có 2, 3 phòng ngủ.

Để bố trí cho khách, họ ghép 2 giường đôi vào 1 phòng, ở phòng khách lại trải thêm đệm. Hơn nữa, khách vào còn mang theo nước uống, bếp gas, đồ ăn, thậm chí cả loa kẹo kéo… gây ảnh hưởng rất lớn tới những căn hộ xung quanh”, ông Bình cho biết thêm.

Hiện nay, theo tìm hiểu của PV, một số hộ cư dân đã được phòng Tài chính – Kế hoạch, TP.Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với ngành nghề: “Cho người Việt Nam và người nước ngoài thuê nhà để ở”. Liên quan tới việc cấp phép này, PV đã liên hệ với UBND TP. Vũng Tàu và đơn vị này đang chuẩn bị các nội dung để trả lời cho PV.

Ông Nguyễn Quốc Trí, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, UBND TP.Vũng Tàu (người được lãnh đạo phân công trả lời cho PV) cho biết: "Hiện Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cũng đang giao cho phòng báo cáo về vấn đề này. Do đó, các thông tin liên quan, chúng tôi sẽ có thông tin cho PV sớm".

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin. 

Bước đầu, UBND phường cũng đã có làm việc với DNTN Sơn Thịnh nhằm tìm giải pháp để quản lý việc cho thuê các căn hộ. Theo chủ đầu tư, nhiều người đã thuê lại căn hộ rồi tiến hành cho thuê lại (theo hình thức ngắn ngày) nhưng với lượng người quá đông, trong khi đó, đây là chung cư. Chúng tôi đã ghi nhận thông tin này và chuẩn bị mời các hộ kinh doanh này để có hình thức tuyên truyền cho phù hợp. Bởi, lượng người đến đông trong các căn hộ sẽ liên quan tới an ninh, an toàn, PCCC…

Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch UBND phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu