Tài chính - Ngân hàng

Lùm xùm "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT, Eximbank khẳng định "đã làm đúng luật"

Trước những thông tin liên quan đến "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT vừa được chuyển giao từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú vài ngày qua, ngân hàng Eximbank vừa ra thông cáo báo chí trả lời rõ ràng về vấn đề này.

Ngày 22/3, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank (mã chứng khoán EIB) công bố quyết nghị bầu bà Lương Thị Cẩm Tú vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), thay cho ông Lê Minh Quốc đã bị bãi nhiệm.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Lê Minh Quốc khẳng định mình vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank.

Trước sự việc này, Eximbank khẳng định, Hội đồng Quản trị ngân hàng đã tổ chức họp phiên 22/03/2019 để bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú theo đúng quy định của luật Doanh nghiệp (Điều 53) và theo điều lệ Eximbank (Điều 44).

Đồng thời, số lượng thành viên Hội đồng Quản trị tham dự (tại phiên họp ngày 22/03 và các phiên họp trước đó) đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó có sự đồng thuận của 02 thành viên hội đồng quản trị đại diện cho cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation - Cổ đông chiến lược của Eximbank.

Bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank từ 22/3/2019

Hội đồng Quản trị Eximbank đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định của Ủy Ban chứng khoán Nhà nước về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới”.

Cũng trong thông cáo này, ngân hàng Eximbank đã cung cấp tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng từ đầu năm 2019 đến nay. Theo đó ngân hàng “vẫn tăng trưởng ổn định và bền vững”, “huy động vốn Tổ chức Kinh tế & Dân cư tăng 3,2% so đầu năm; Lợi nhuận trước thuế đạt 327 tỷ đồng; Các tỷ lệ an toàn hoạt động như: tỷ lệ dư nợ  cho vay trên tổng tiền gửi, tỷ lệ dự trữ thanh khoản, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, … đều đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Eximbank đang duy trì trạng thái thanh khoản tốt với lượng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước trên 18.000 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa của ngân hàng tăng gần 24% so với cuối năm 2018”.

Về vấn đề nhân sự, Eximbank cho biết: “Trong thời gian qua, vấn đề nhân sự luôn là điểm nóng của Eximbank, đặc biệt là vấn đề của các nhóm cổ đông tại ngân hàng. Hơn nữa, hiện nay có rất nhiều thông tin không chính thống, mang tính suy diễn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín, thương hiệu của Eximbank. Đặc biệt, Eximbank là ngân hàng được niêm yết trên sàn chứng khoán (MCK: EIB – HOSE) và sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 26/04/2019 tới đây”.

Thông tin với VTC News, ông Lê Minh Quốc nói: “Tôi khẳng định phiên họp ngày 22/3 của nhóm thành viên Hội đồng quản trị Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp này không có hiệu lực pháp luật”.

“Hành động này là trái với điều lệ Eximbank, đã gây bất ổn trong HĐQT Eximbank và gây băn khoăn lo ngại cho các cổ đông, khách hàng và tạo sự hoang mang cho hơn 6.000 người lao động tại Eximbank”, ông Quốc nói thêm.

Theo ông Quốc, ngày 11/3, ông đã có đơn xin cứu xét, phản ánh tình hình bất ổn trong thành viên HĐQT Eximbank và các sai phạm của một nhóm thành viên HĐQT gửi Ngân hàng Nhà nước xin can thiệp “khẩn cấp và triệt để nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giúp ổn định hoạt động của Eximbank nói riêng và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia nói chung”.

Đến ngày 19/3, ông Quốc nhận được email từ Văn phòng Hội đồng quản trị gửi tài liệu kèm thư triệu tập phiên họp hội đồng quản trị ngày 22/3 (thư triệu tập đề ngày 15/3 và do 5 thành viên HĐQT ký).

Cùng ngày, ông Quốc nhận được văn bản của Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Hội đồng quản trị Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu (liên quan nội dung đơn cứu xét) về cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng để được xem xét và giải quyết.

“Ngày 20/3, tôi đã có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào ngày 22/3 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập. Nhưng ngày 22/3, nhóm 5 thành viên HĐQT vẫn tổ chức cuộc họp để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế tôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank”, ông Quốc nói.

Vẫn theo ông Quốc, từ năm 2016 đến nay, mặc dù có những khó khăn, nhưng Eximbank vẫn hoạt động đạt được kết quả và tăng trưởng nhất định. Đặc biệt, trong công tác quản trị ngân hàng, HĐQT Eximbank đã giữ được sự ổn định và phát triển qua rất nhiều biến cố.

Tuy nhiên, từ năm 2015 thị trường xuất hiện tin đồn rằng Eximbank sẽ sáp nhập với Ngân hàng Nam Á và giữa các nhóm cổ đông của Eximbank có sự mâu thuẫn.

“Từ tháng 4/2018, khi bà Lương Thị Cẩm Tú trở thành thành viên HĐQT Eximbank thì công tác điều hành hoạt động của HĐQT gặp nhiều trở ngại, do một nhóm thành viên Hội đồng quản trị luôn gây khó khăn cho tôi trong công tác điều hành. Ví dụ như khi Chủ tịch HĐQT phân công công tác thì nhóm này luôn nêu ra những ý kiến bất đồng, tạo nên những tình huống bất ổn trong Hội đồng quản trị Eximbank”, ông Quốc nói.