Giáo dục

Lùm xùm đạo văn - Kỳ 3: Đã đến lúc cần có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn trong việc xử lý “đạo văn”

Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Văn Tình khi nói về vấn đề làm thế nào để xử lý được vấn đề đạo văn trong giới nghiên cứu khoa học.

Không liêm chính học thuật là lỗi rất nặng

Có thể nói, lùm xùm liên quan đến vấn đề “đạo văn” của ông Nguyễn Đức Tồn hay bà Vũ Thị Sao Chi thời gian qua đã khiến cho dư luận, đặc biệt giới khoa học hết sức bất bình.

Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, việc đạo văn của người khác nếu không được giải quyết dứt điểm, có thể gây ra hậu quả nhãn tiền đó chính là nạn lừa dối trong thi cử, bằng cấp, khoa học… Điều này vô cùng nguy hiểm, gây mất niềm tin của dư luận vào khoa học chân chính.

Là một người nghiên cứu học thuật, cũng từng biết và có khoảng thời gian làm việc với bà Vũ Thị Sao Chi, PGS.TS. Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tỏ rõ nỗi buồn và sự thất vọng của mình.

Nói về việc bà Sao Chi cho rằng mình không đạo văn, PGS.TS. Phạm Văn Tình phân tích: “Để kết tội một ai đó nhất là liên quan đến đạo văn, liêm chính học thuật, phải có căn cứ xác đáng, việc hiện nay dư luận, báo chí lên tiếng về chuyện TS. Vũ Thị Sao Chi sao chép, lấy bài của một số học viên cao học, nghiên cứu sinh đứng tên. Cũng phải nói rằng, việc đứng tên công trình khoa học là chuyện bình thường (mặc dù nên hạn chế) vì các công trình khoa học có hai, ba người tham gia có thể có, nhưng điều người ta ngạc nhiên và nghi ngờ vì bà Sao Chi đứng tên với nhiều người như: Thùy Yên, Thu Thùy, Thanh Huệ…

Khi đứng tên như vậy thì người ta đặt ra một nghi vấn là việc này có xứng đáng hay không. Khi anh đứng tên mà anh không đóng góp, lại rút ruột công trình của người khác, đa số các bài đứng tên đó đều là ý tưởng khoa học, và nội dung trùng với các luận văn, luận án đã công bố. Như thế, là người không trung thực.

Thêm nữa, việc đứng tên mà hiện nay có ai đó xác nhận đồng tác giả, việc xác nhận này có thể do một sư ưu ái hay do điều gì tế nhị mà ta không bàn. Thế nhưng, điều này có hợp pháp hay không? Vì khi công trình nghiên cứu khoa học của tôi đã công bố rồi thì thuộc về tôi, còn thiện chí muốn cho người khác thì về pháp lí, người ta sẽ không chấp nhận điều này.

Bài của bà Sao Chi in trên Tạp chí Ngôn ngữ tháng 8/2013 lại trùng với nội dung luận văn cao học của cô Thuỳ bảo vệ tháng 7/2013. Như vậy, quyền tác giả thuộc về cô Thuỳ chứ không phải của bà Sao Chi. Việc bà Sao Chi trình ra cho mọi người xác nhận của đương sự có liên quan là đồng ý để đứng tên đồng tác giả là không được, chưa nói người khác có thể lập luận ngược trở lại, buộc tội chính người có thiện chí. Đó là điều gây bất lợi cho người có thiện chí”.

Một bài báo trên tạp chí Ngôn ngữ có tên của bà Vũ Thị Sao Chi.

PGS.TS. Phạm Văn Tình cũng cho rằng, liêm chính học thuật, đạo văn là tội rất nặng, ảnh hưởng đến thanh danh học thuật của người đó, đến danh dự nên không dễ dàng kết tội.

“Nhưng, xâu chuỗi tất cả những dữ liệu như thế, đủ căn cứ thấy rằng chuyện mà hiện nay dư luận tố cáo bà Sao Chi sao chép hay đạo văn là có vấn đề. Còn kết luận một cách chính xác, phải có sự thanh tra cẩn thận”, PGS.TS. Tình nói.

Nói thêm về việc bà Sao Chi “kêu oan”, PGS.TS. Tình cho rằng đó là quyền của cá nhân, và nếu là oan, bà Sao Chi cần đưa ra được những luận cứ, dẫn chứng chứng minh, biện luận ngược trở lại để bảo vệ mình, bởi không có ai bảo vệ mình tốt hơn chính mình…

Kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng “đạo văn”

PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng đã đến lúc cần có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn trong việc xử lý “đạo văn”.

PGS.TS Phạm Văn Tình thông tin thêm về bà Sao Chi: “Tôi trước đây vốn dĩ là cán bộ của Viện ngôn ngữ học, mới chuyển sang Viện Từ điển từ năm 2008,  là đồng nghiệp trước đây và hiện nay tôi vẫn là đồng nghiệp, tham gia các hoạt động của Viện Ngôn ngữ học, bà Sao Chi là Phó Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ một thời, bây giờ là Phó Tổng biên tập phụ trách. Chúng tôi vẫn thường trao đổi, nhưng trước hiện tượng như vậy tôi cũng rất bất bình vì gây ra điều không hay trong giới ngôn ngữ học. Đã có nhiều chuyện lùm xùm rồi, giờ lại thêm chuyện này nữa nên người ta thấy rất buồn, nhất là bà Sao Chi lại là một người có cương vị lãnh đạo một tạp chí khoa học. Tôi thấy ngạc nhiên rằng một người có quyền như vậy, việc gì phải nhờ đứng tên…”.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, xét cho cùng, việc sử dụng kết quả, công trình, chất xám của người khác một cách bất hợp pháp là vi phạm tới liêm chính học thuật, tới sự trong sáng của môi trường học thuật.

“Môi trường học thuật là phải tôn trọng những giá trị đóng góp của mỗi cá nhân. Đóng góp đó được coi là độc quyền”, PGS.TS Tình nói.

Cho đến nay, vấn đề xử lý về vấn đề vi phạm học thuật vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Nói về điều này PGS.TS Tình trăn trở: “Tôi rất buồn vì có nhiều vụ lùm xùm về đạo văn tạo ra luồng dư luận khá lâu, dai dẳng. Cụ thể là vụ GS. Nguyễn Đức Tồn diễn ra lâu rồi, cho đến bây giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được kết luận thoả đáng, chứng tỏ chúng ta vẫn chưa siết chặt kỷ cương trong một lĩnh vực rất đáng quan tâm là hoạt động khoa học.

Tính trung thực là yêu cầu số một để đánh giá đạo đức nhà giáo và đạo đức nhà khoa học. Nếu vi phạm những điều đó thì mọi thứ không còn giá trị. Một người đứng lớp, nhà khoa học thực thụ mà bị tố cáo là đạo văn thì còn giáo dục, dạy dỗ ai? Tôi nghĩ rằng, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có một thái độ rõ ràng hơn, kiên quyết hơn trong chuyện này”.

Trong diễn biến liên quan, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với bà Vũ Thị Sao Chi ngỏ ý muốn gặp bà trực tiếp để lắng nghe chia sẻ về những gì báo chí phản ánh thời gian qua xoay quanh lùm xùm đạo văn của bà. Thế nhưng, trao đổi qua điện thoại, bà Vũ Thị Sao Chi cho hay: “Về sự việc của tôi, hiện tôi đã gửi tất cả tài liệu, hồ sơ lên các cơ quan quản lý về báo chí, lên các cơ quan chức năng để giải quyết một cách đàng hoàng theo con đường của tổ chức vàc cơ quan chức năng. Bây giờ không phải là phản ánh sự việc nữa mà là giải quyết sự việc, thanh tra theo pháp luật. Khi nào có kết luận của cơ quan chức năng giải quyết thì các báo chí sẽ có nguồn thông tin công khai. Tôi được biết, cơ quan chức năng đang giải quyết một cách rất rốt ráo, khách quan, công tâm, chắc chắn sẽ có một câu trả lời trung thực nhất, đúng chân lý nhất và lúc đó thông tin mới chính thống được”.

Xem thêm: Bài 1: Lùm xùm đạo văn - Kỳ 1: “Tôi khẳng định chỉ hướng dẫn mình chị Huệ Yên, không có tên Sao Chi nào hết”

Xem thêm: Bài 2: Lùm xùm đạo văn - Kỳ 2: “Đây là hành vi không liêm chính trong học thuật”