Góc nhìn luật gia

Luật sư nêu quan điểm về việc quay clip cải trang thành ăn xin ở phố cổ Hội An để câu like giữa mùa dịch

Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty luật Dragon (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội). Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, luật sư Tiệp tỏ thái độ bất bình trước một nhóm đối tượng ăn mặc nhếch nhác, cải trang người ăn xin rồi tổ chức diễn trò ngay giữa phố cổ Hội An để chụp ảnh, quay phim.

Sự việc diễn ra vào sáng ngày 31/3, bất ngờ hơn nữa, thông tin từ Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An cho biết, bước đầu cơ quan chức năng xác định những người này là người nhà của bị án Phan Văn Anh Vũ.

Nhóm người giả danh ăn xin ở phố cổ Hội An.

Truy xuất camera an ninh, công an TP Hội An bước đầu xác định nhóm phụ nữ "ăn xin" này đi trên 2 ôtô sang trọng. Trong đó, 1 ôtô đứng tên Phan Văn Anh Vũ và 1 ôtô đứng tên Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ của Phan Văn Anh Vũ).

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Trung Tiệp cho rằng, cả nước đang chung tay, căng mình chống lại cơn đại dịch mang tên COVID-19, tất cả các cơ quan ban ngành đều đang liên tục ban hành các công văn, quy định về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid.

Trong đó, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành một số quy định bắt buộc như tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang y tế nơi công cộng thì nhóm đối tượng trên lại bày trò trong thời điểm “nhạy cảm” này là không thể chấp nhận được.

Song bên cạnh đó, một câu hỏi được luật sư Tiệp đặt ra, nếu đúng những người này là người nhà của bị án Phan Văn Anh Vũ, có điều kiện, đi xe sang thì tại sao lại cải trang thành ăn xin, ăn mặc nhếch nhác, vậy còn có động cơ, mục đích nào khác, chứ không phải đơn thuần chỉ là quay clip làm kỷ niệm? Vấn đề này, luật sư Tiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ nội dung này.

Chiếu theo quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, luật sư Tiệp cho biết:

Hành vi tập trung nơi đông người nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4, điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty luật Dragon.

 

Chưa hết, đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong mùa dịch bệnh, tại điểm a, khoản 1, Điều 11 Nghị định này quy định “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: “a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”.

“Nếu có căn cứ xác định các đối tượng đã tổ chức dàn dựng việc đi ăn xin nhằm mục đích đưa lên mạng Internet gây dư luận xấu trong xã hội thì tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra có thể xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần sô vô tuyến điện theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013. Hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS với mức phạt tù lên đến 3 năm”, luật sư Tiệp cho biết thêm.