Góc nhìn luật gia

Luật gia xứ Lạng chia sẻ công tác hoà giải cơ sở

Vinh dự có tên trong danh sách điển hình tiên tiến của đại hội Thi đua yêu nước hội Luật gia Việt Nam lần thứ III, ông Nguyễn Văn Luận (luật gia hội Luật gia tỉnh Lạng Sơn) đã có nhiều chia sẻ về công tác hoà giải.

Gian nan các vụ hoà giải sau ly hôn

Sau hơn 10 năm công tác gắn bó với cương vị Chi hội trưởng chi hội Luật gia Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Luận đã tham gia nhiều vụ hòa giải. Từ đó giúp nhiều gia đình, hàng xóm tránh phải lôi nhau kiện cáo ra toà.

Với nhiều thành tích đạt được, luật gia Luận vinh dự có tên trong danh sách  điển hình tiên tiến được tặng bằng khen trong đại hội Thi đua yêu nước hội Luật gia Việt Nam lần III. 

Chia sẻ về quá trình tham gia công tác hoà giải, ông Luận chia sẻ, những vụ hoà giải liên quan đến ly hôn luôn là những vụ phức tạp, đòi hỏi nhiều tâm sức.

Ông Luận và những chuyến "băng rừng vượt suối" đi hoà giải.

"Tôi nhớ mãi một kỷ niệm khi tham gia giải quyết vụ việc giao con cho người mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng sau khi cặp vợ chồng này được tòa án xử cho ly hôn. Vụ này xảy ra cách đây đã nhiều năm.

Theo bản án tòa tuyên, anh H. (đang là quân nhân) phải giao con là cháu V.A. 6 tuổi cho người mẹ là chị L. đang công tác tại trung tâm Y tế huyện nuôi dưỡng. Tuy nhiên, anh H. không đồng ý giao con cho chị L. nên đã đưa con về cho bố mẹ đẻ ở Thanh Hóa nuôi dưỡng", ông Luận kể lại. 

Xác định đây sẽ là vụ việc hết sức khó khăn, vì tranh chấp ở đây là... con người. Chính vì vậy, sau khi làm việc lãnh đạo đơn vị, ông Luận khẩn trương đến gặp anh H.

Qua câu chuyện được biết, anh H. nghi ngờ vợ phản bội tình cảm nên dẫn đến việc ly hôn. Anh H. nhất quyết không chấp hành việc giao con cho vợ cũ chăm sóc theo bản án xét xử.

"Sau nhiều lần nói chuyện, tôi đã phân tích cho anh H. biết nếu không chấp hành bản án thì ngoài việc bị xử phạt hành chính, cưỡng chế thi hành án buộc phải giao con thì anh H. còn bị xem xét kỷ luật theo quy định của cơ quan, ảnh hưởng tương lai và sự nghiệp phấn đấu của bản thân.

Trong khi đó bố mẹ anh H. đã tuổi cao sức yếu và cháu là con gái, mới 6 tuổi rất cần sự chăm sóc, dạy bảo của người mẹ. Nếu chị L. không làm tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu thì anh có quyền khởi kiện ra tòa để thay đổi người nuôi con khi cháu đủ 9 tuổi", vị luật gia kể.

Kết quả, anh H. đã nghe ra, đồng ý đưa con từ Thanh Hóa ra để giao lại cho chị L. theo đúng tinh thần của bản án. Vụ việc thi hành án giao con được giải quyết trong hoàn cảnh hợp tác, tự nguyện từ hai bên.

Công tác hoà giải cần được ưu tiên

Với "thâm niên" tham gia hoà giải nhiều vụ việc, ông Luận cho rằng, kết quả vụ việc trên cho thấy, nếu được hội viên hội Luật gia Việt Nam vận động, tuyên truyền thì người dân sẽ thêm phần an tâm, tin tưởng vào người cán bộ thi hành án dân sự.

Công tác hoà giải thành công giúp người dân hạn chế nhiều khiếu nạn tố cáo

"Sau hơn 10 năm công tác tại cơ quan thi hành án dân sự và từng ấy năm gắn bó với công tác Hội, tôi nhận thấy công tác hoà giải ở cơ sở vốn dĩ là truyền thống tốt đẹp trong đời sống thường ngày của dân tộc Việt Nam, là đạo lý, đạo đức xã hội, đồng thời được pháp luật thừa nhận.

Chính vì lẽ đó, nếu làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở sẽ giải quyết được các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân; hạn chế được đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp; hạn chế được các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội", vị luật gia nêu quan điểm. 

Ông Luận cho rằng, hội Luật gia phải xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm là trách nhiệm của mỗi luật gia. Chính vì vậy, Hội cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các luật gia, nhất là các luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung.

"Đến nay, tôi luôn thấy tự hào là hội viên của hội Luật gia. Trong kết quả công tác hàng năm luôn có sự đồng hành vai trò của người luật gia, sự tin tưởng của người dân trong các vụ việc mình trực tiếp tham gia giải quyết", ông Luận bày tỏ. 

Đại hội Thi đua yêu nước hội Luật gia Việt Nam được tổ chức định kỳ 5 năm/lần. Trong đó đại hội lần thứ I được tổ chức năm 2010, lần II được tổ chức năm 2015 và lần III sẽ được tổ chức vào ngày 2/10/2020. Đại hội lần III sẽ có 69 tập thể và 98 cá nhân điển hình tiên tiến.