Luẩn quẩn đề xuất mở làn đường dành riêng cho xe buýt thường

Để thu hút người dân tham gia phương tiện công cộng, mới đây trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội lại đề xuất dành ra một làn riêng cho xe buýt thường.

Có thể nói đây không phải là lần đầu tiên việc phân làn đường riêng được đề cập đến. Trước đó, khoảng tháng 4/2004, Hà Nội đã mở đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi. Sau đó, vì nhiều bất cập nên làn dành riêng phải dẹp bỏ. Vậy nhưng mới đây, trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội lại đề xuất mở làn riêng cho xe buýt thường trên chính đường này. 

Như chúng ta đã biết, phương tiện lưu thông trên đường rất lớn, dành riêng một làn cho xe buýt khi hạ tầng chưa cho phép có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng hơn. 

Hà Nội lại đề xuất mở làn đường riêng cho xe bus thường.

Nếu khách quan nhìn nhận, mục đích của việc phân làn, tách dòng phương tiện trên một số trục đường chính là nhằm nâng cao ý thức của người dân đi đúng làn đường, giảm thiểu xung đột giao thông, tăng khả năng lưu thông. Thế nhưng, do hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển của vận tải cùng với ý thức của người dân chưa cao đã khiến mục đích đề ra vẫn chưa hoàn toàn đạt được. Kiểm chứng dễ nhất là trong những giờ cao điểm, tình trạng phương tiện không tuân thủ làn đường của mình, đi lấn làn, sai làn thậm chí còn cắt ngang đầu ô tô còn diễn ra khá phổ biến.

Sau khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã lắp đặt xong dầm, nhà chờ, hàng rào tôn phía dưới dọc đường Nguyễn Trãi được tháo dỡ, tuyến đường trở nên thoáng rộng hơn, phương tiện đi lại trở nên thuận lợi. Nhưng đến giờ cao điểm lượng phương tiện trở nên đông đúc, nhiều nơi xảy ra ùn tắc, diện tích còn lại cho lòng đường bị thu hẹp. Nếu đề xuất trên được duyệt thì đoạn đường mỗi bên đường sẽ chẳng khác nào bị thắt nút đến nghẹt thở.

Một thực tế khó khăn là hiện nay, Hà Nội dù có trên 100 tuyến buýt, chỉ có tuyến BRT là có đường dành riêng, phần lớn buýt cùng chạy chung đường với phương tiện hỗn hợp, nhưng cũng chưa có bất cứ một báo cáo nào về sự thành công của làn đường dành cho BRT. Bởi thật trớ trêu khi một bên thông thoáng, bên còn lại chen chúc đến ngột ngạt. Đây là thực trạng rất khó để xe buýt hoàn thành sứ mệnh được giao.

Việc mở lại làn đường dành riêng cho xe buýt thường sẽ chiếm đến 1/3 diện tích mặt đường Nguyễn Trãi. Việc đó đồng nghĩa với cảnh các phương tiện lưu thông còn lại đổ dồn sang di chuyển trên các làn đường. Điều đó sẽ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn, nguy cơ gia tăng nhiều vụ tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự.

Để đề xuất trên không “nằm trên giấy” theo kiểu "thừa giấy vẽ voi", các ban ngành chức năng nên có những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng và xác định tiêu chí khai thác những đoạn mặt đường đủ rộng, bố trí hợp lý luồng, làn xe buýt vì đó giải pháp thiết thực cho giao thông công cộng hiện tại. Vậy nên hay không nên mở làn riêng cho xe buýt thường? Đó vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải đối với thành phố Hà Nội.

Hơn nữa, nhiều năm nay, xe buýt vẫn đang phải bù lỗ, bây giờ dành thêm ưu tiên, đầu tư thêm cho xe buýt trong bối cảnh ngân sách của thành phố hạn hẹp mà không đạt được hiệu quả thì đó chính là sự lãng phí.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.