Thế giới

Lúa lưu niên - Kỳ vọng mới của nông dân Trung Quốc

Hơn 40.000 nông dân Trung Quốc đang trồng giống lúa lâu năm do các nhà nghiên cứu của Đại học Vân Nam tạo ra với năng suất cao hơn và chi phí thấp hơn.

Khi ông Liang Yuxin lần đầu nghe nói về một giống lúa mới có thể thu hoạch trong nhiều năm mà không cần phải trồng lại, ông đã rất háo hức muốn thử trồng giống lúa này.

“Giống lúa này sẽ mang lại niềm tin cho nông dân địa phương nếu được thử nghiệm thành công", ông Liang, đại diện của một hợp tác xã nông dân ở khu vực Quảng Tây, phía Tây Nam Trung Quốc, cho biết.

“Có rất nhiều ruộng đất bị bỏ hoang ở các vùng nông thôn phía nam Trung Quốc vì chi phí trồng trọt quá cao. Nhưng nếu tôi có thể trồng lúa một lần và thu hoạch trong vài năm, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều. Ngại gì mà không thử chứ?” ông Liang nói.

Giảm chi phí, tăng năng suất

Ông Liang là một trong số hơn 40.000 nông dân ở Trung Quốc chọn trồng loại lúa mới được các nhà nghiên cứu từ Đại học Vân Nam phát triển trong hơn 2 thập kỷ qua.

Các nhà nghiên cứu đã lai giữa giống lúa hàng năm đã được thuần hóa của châu Á với giống lúa lâu năm hoang dã của Nigeria (châu Phi) để tạo ra một giống lúa lai mới, và trải qua nhiều thập kỷ để cải tiến giống lúa này.

Năm 2018, một giống lúa mới mang tên Lúa lâu năm 23 (PR23) đã được bán trên thị trường cho nông dân Trung Quốc. Ông Koichi Futakuchi, một nhà khoa học cây trồng tại Trung tâm Lúa gạo Châu Phi cho biết đây là một “bước đột phá khoa học”.

Giống lúa này không chỉ cho năng suất cao hơn mà còn giúp giảm chi phí và cải thiện chất lượng đất, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability.

Ông Liang Yuxin (trái) là một trong hơn 40.000 nông dân đang trồng lúa lâu năm ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Mặc dù chi phí cho cả 2 loại lúa lâu năm và ngắn ngày là như nhau trong vụ đầu tiên, khoảng 2.600 USD/hecta, nhưng giống lâu năm không cần gieo hạt, trồng trọt và cày xới trong vài năm. Do đó, trong những năm tiếp theo, chi phí trồng lúa lâu năm chỉ còn phân nửa. Mỗi hecta cũng giảm được từ 68 đến 77 ngày lao động.

Theo các tác giả của nghiên cứu trên, lợi ích kinh tế ròng mà giống lúa lâu năm mang lại dao động từ 17% đến 161% so với lúa ngắn ngày được gieo cấy ở các địa điểm trồng khác nhau.

PR23 đã được giới thiệu đến nông dân Trung Quốc vào năm 2018 và nằm trong số 29 giống được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn khuyến nghị đưa vào canh tác từ đầu năm 2022. Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng giống lúa này ở Trung Quốc là hơn 15.000 hecta, cao gấp 4 lần so với năm 2020.

Rủi ro đi kèm lợi ích

Mặc dù kết quả PR23 mang lại khá khả quan, nhưng đây vẫn là giống lúa mới, cần có thời gian để trải nghiệm.

Ông Fengyi Hu, nhà di truyền học và nông học tại Đại học Vân Nam và những người khác đã sắp xếp cho nông dân trồng lúa ở 3 địa điểm và thu hoạch 2 lần mỗi năm trong 5 năm, đồng thời trồng các giống lúa điển hình được trồng lại mỗi mùa. Đồng thời, họ cũng trồng các giống lúa điển hình theo mùa.

Trong hơn 4 năm, PR23 mang về năng suất trung bình 6,8 tấn lúa trên mỗi ha, cao hơn so với mức 6,7 tấn của lúa thông thường, theo báo cáo được đăng trên tạp chí Nature Sustainability. Tuy nhiên, đến năm thứ năm, năng suất của PR23 giảm, cho thấy nó cần phải được trồng mới lại.

Lúa PR23 được trồng tại một cánh đồng ở Trung Quốc. Ảnh: Manila Bulletin

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu lưu ý những rủi ro tiềm ẩn khác. Khi trồng PR23, nông dân ít phải cày xới, do đó, nấm và các mầm bệnh khác có thể tích tụ trên đồng ruộng. Côn trùng cũng có thể tồn tại trong gốc rạ sau khi thu hoạch, sau đó truyền bệnh sang cây lúa khi chúng tái sinh vào mùa xuân.

Và nếu không cày xới, cỏ dại có thể sinh sôi nảy nở. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những cánh đồng có PR23 cần nhiều thuốc diệt cỏ hơn 1-2 lần so với các giống lúa thông thường.

Họ cũng lưu ý rằng việc trồng lại lúa lâu năm khi năng suất bắt đầh giảm sút sẽ tốn nhiều công sức hơn, bởi vì bộ rễ của chúng lớn hơn và sâu hơn các giống lúa ngắn ngày khác.

Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Science, Manila Bulletin)