Tiêu dùng & Dư luận

Lừa đảo bán giống cây trồng trên mạng mang lại nhiều hệ lụy

Theo Tổng thư ký VSTA, kinh doanh cây trồng trên mạng là xu hướng tất yếu nhưng đang bị nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng kém chất lượng đến cho nông dân.

Sáng 26/12, Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”  đã được tổ chức nhằm phổ biến rộng rãi các giải pháp kiểm soát giống cây trồng để phát triển bền vững ngành trồng trọt Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Sau khi Luật Trồng trọt ra đời đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Dù là bước thay đổi rất quan trọng, nhưng nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi”. 

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Ảnh: NNVN).

Sau 3 năm thực hiện Luật Trồng trọt vẫn có một số vướng mắc, tuy nhiên, nhìn chung Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt đã có những hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời, chưa khi nào để xảy ra trường hợp khan hiếm giống, thiếu giống, nhất là các giống lúa. Trong giai đoạn vừa qua, đã có những giống thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng miền.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) khẳng định, sau 3 năm triển khai, Luật Trồng trọt đã mở ra một cách nhìn mới, đưa ra các quy định mới trong quá trình công nhận giống cây trồng.

Tuy nhiên, bà Hiên đã đưa ra 4 nội dung đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện, gồm: Công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gen; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên thông tin, hiện nay có giống lúa, giống ngô đã hoàn thiện được toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý, sử dụng, khai thác, sản xuất và kinh doanh. Thời gian tới đề nghị sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các giống cây trồng nông nghiệp chính là cà phê, cam, bưởi, chuối.

“Trong quá trình thực hiện có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nào chưa phù hợp thì chúng ta đề xuất điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.

Tại sự kiện, ông Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) khẳng định, để có nền tảng nông nghiệp như hiện nay, giống cây trồng là yếu tố đầu vào có ý nghĩa quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, ông Định cũng chỉ ra thực tế: “Tính từ 2020 đến tháng 11/2023, sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực chỉ có 12 giống lúa mới, 12 giống ngô mới được công nhận lưu hành thông qua khảo nghiệm theo quy định mới. So với nhu cầu thực tế số giống mới được công nhận lưu hành là quá ít, điều này làm giảm khả năng tiếp cận giống mới của nông dân và hạn chế các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao vào sản xuất”.

Ông Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại Giống cây trồng Việt Nam (Ảnh: NNVN).

Ông Định nhấn mạnh, việc tự công bố giống cây trồng là cần thiết, tuy nhiên đã bộc lộ những bất cập. Công nhận lưu hành các giống mới được cải tiến trên giống nền bằng công nghệ sinh học đang vướng mắc và ách tắc nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, một giống có gen kháng trên cơ sở cải tạo giống nền và tương đồng giống nền không được công nhận như giống mới theo quy định hiện hành đang gây nhiều thắc mắc và bất cập không phù hợp với thực tiễn hiện nay khi mà công nghệ sinh học có những bước tiến rất nhanh.

Một số quy định về tự công bố với tên giống đã được đăng tải trên cổng thông tin của Cục trồng trọt sẽ thuộc về đơn vị nộp hồ sơ trước, không cần biết tên giống này đã được bảo hộ quyền tác giả hoặc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với cục sở hữu trí tuệ chưa, doanh nghiệp đăng ký đó có năng lực thực chất hay không, có từng sản xuất hoặc nhập các giống đó không và có đối tác không…

Toàn cảnh sự kiện (Ảnh: NNVN).

Ngoài ra, trước việc kinh doanh giống cây trồng trên mạng, ông Trần Xuân Định cho rằng, đây là xu hướng tất yếu nhưng đem lại nhiều hậu quả, hệ lụy.

Cụ thể, một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, giao hàng đến tận nhà cho nông dân. Các giống cây trồng thuộc thương hiệu lớn bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo hình thức “đa cấp”.

Phần lớn nạn nhân của các chiêu trò trên là nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối chính hãng chưa vươn tới.

Trước thực tế trên, ông Định nhấn mạnh: “Sản xuất, kinh doanh giống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật; tuy nhiên hình thức bán qua mạng thì chưa có những quy định cụ thể và chế tài, đó là kẽ hở và cái khó cho công tác quản lý với giống cây trồng nói riêng và nhiều hoạt động thương mại khác nói chung”.