An ninh - Hình sự

Lột mặt nạ những kẻ buôn gian bán lận, làm ăn thất đức

Tết càng đến gần, thực phẩm bẩn "lên ngôi". Bộ mặt thật của những kẻ buôn gian bán lận, làm ăn thất đức vì thế cũng được phơi bày ngày càng rõ.

Có lẽ không phải là nặng lời khi nói vậy, bởi nếu đưa lên bàn cân, thì việc đầu độc dân tộc phải coi là tội ác tày đình. Ấy vậy mà từ năm này sang năm khác, những vụ thực phẩm bẩn vẫn cứ âm ỉ tồn tại và thậm chí còn lan với quy mô ngày càng rộng.

Ngày 9/1/2021, Công an xã Điện Quang (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) bắt quả tang tại cơ sở giết mổ động vật HTX Điện Quang, do bà Nguyễn Thị Thu Thủy (1983, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) thuê để giết mổ động vật có hành vi bơm nước vào động vật trước khi giết mổ. 

Lực lượng chức năng nhiều lần bắt quả tang các cơ sở bơm tạp chất vào tôm.

Hay vào cuối tháng 12/2020, một hộ kinh doanh ở Kiên Giang bị bắt quả tang bơm hoá chất vào 80kg tôm tươi, chuẩn bị "tuồn" ra thị trường.

Trong khi kiểm tra đột xuất, đội QLTT số 1, cục QLTT tỉnh Kiên Giang phối hợp với các đơn vị liên quan đã phát hiện hộ kinh doanh Lê Thanh Tâm, địa chỉ ấp Đập Đá II, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, đang tổ chức đưa tạp chất (Agar) vào tôm nguyên liệu. 

79,5 kg tôm nguyên liệu tang vật cùng một số dụng cụ dùng để bơm chích tạp chất vào tôm như kim bơm, máy nén khí đã bị tạm giữ để điều tra, làm rõ.

Không chỉ thực phẩm tươi sống, gần Tết, rượu là một trong những sản phẩm bị làm giả nhiều nhất. Mới đây, Công an TP.HCM đã phát hiện, bắt quả tang xưởng sản xuất rượu ngoại giả để bán ra thị trường.

Hơn 8.000 lít rượu bị tạm giữ vì không rõ nguồn gốc, giấy tờ.

Chiều ngày 5/1, lực lượng công an phát hiện ông Phạm Đình Hạnh (41 tuổi, quê Thanh Hóa) đang giao rượu ngoại cho khách tại một quán cà phê trên đường TX13, phường Thạnh Xuân. Đáng tiếc, 39 chai rượu ông Hạnh giao được làm giả nhãn hiệu Chivas và Hennessy.

Về công thức rượu giả, ông Hạnh khai đã pha trộn một chai rượu ngoại thật với 4 chai rượu Vodka, kèm theo hương liệu, màu để cho ra 5 chai rượu giả. Sau đó, số rượu trên được dán tem giả, bỏ vào hộp rồi bán cho khách.

Mới đây thôi, 8.200 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng chuẩn bị được đưa ra chợ Tết. Số hàng này được lực lượng chức năng phát hiện tại Phú Yên, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cũng không có hóa đơn chứng từ.

Số hàng bị phát hiện trên xe ô tô tải, biển kiểm soát 51C - 83060 đang di chuyển theo hướng Bắc - Nam, do ông Nguyễn Tiến Tú (ở xã Trường Trung, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển. 

Người đàn ông này khai nhận được môi giới thuê để chở hàng nên không rõ chủ hàng là ai và không có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến lô hàng. Toàn bộ số rượu trên đã bị tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với rượu, bánh kẹo mà một thực phẩm thiết yếu bị làm giả tương đối nhiều mỗi dịp Tết. Mới đây, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn huyện Hoài Đức kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang có trụ sở chính tại Đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tại đây, một lượng lớn sản phẩm bánh quy do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu hết hạn sử dụng được cất giữ.

3 tấn bánh quy được gia hạn sử dụng.

Cụ thể, hơn 3 tấn bánh quy yến mạch hiệu "Torku" có nguồn gốc xuất xứ trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ đã hết hạn sử dụng từ tháng 2 năm 2020 đang được công nhân "gia hạn sử dụng" bằng máy dập date có sẵn tại doanh nghiệp.

Được biết, Công ty này do ông Lê Văn Hướng là đại diện pháp luật. Đội QLTT số 24 đã tiến hành lập biên bản vi phạm đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ các sai phạm.

Có lẽ, diễn biến về việc bắt giữ các thực phẩm bẩn từ giờ đến cuối năm sẽ còn nóng và phức tạp nhiều hơn nữa. 

Mộc Miên (T/H)