Hồ sơ điều tra

"Lòng tốt" khiến cựu giám đốc Vietcombank ở Cần Thơ đối diện mức án 20 năm tù?

Cựu giám đốc ngân hàng Vietcombank ở Cần Thơ Nguyễn Minh Chuyển cho rằng việc ông lập khống hồ sơ vay vốn để giải ngân cho các doanh nghiệp chỉ là muốn giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về vốn trước mắt.

Theo báo Thanh Niên, chiều 13/6, Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Chuyển (nguyên Giám đốc Ngân hàng ngoại thương Việt Nam chi nhánh Tây Đô - Vietcombank Tây Đô) 20 năm tù, Trần Anh Huy (nguyên Trưởng phòng Tín dụng) 18 - 19 năm tù, Nguyễn Hữu Nghĩa (nguyên cán bộ tín dụng) 1 - 2 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Nhóm bị can là giám đốc các doanh nghiệp gồm: Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Thanh Hùng cùng 20 năm tù; Võ Vũ Bình 17 - 18 năm tù; Cao Hoàng Thám 15 - 16 năm tù; Trang Hồng Sơn 8 - 9 năm tù; Nguyễn Công Trừng, Võ Hoàng Thám, Trịnh Minh Tú cùng 7- 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: báo Người Lao Động 

Các bị can đã ký và thực hiện 56 hợp đồng tín dụng cho 41 DN thuộc 6 nhóm khách hàng với tổng số tiền giải ngân trên 2.467 tỉ đồng. Nhóm doanh nghiệp trên đã chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng, đến nay không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho Vietcombank Tây Đô tổng số tiền hơn 1.838 tỉ đồng.

Báo Pháp Luật TPHCM cho hay, đại diện VKS nhận định, bị cáo Nguyễn Minh Chuyển là giám đốc VCB Tây Đô, chủ tịch hội đồng tín dụng cơ sở (HĐTDCS), bị cáo chịu trách nhiệm chính với hành vi sai phạm liên quan đến hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng.

Bị cáo chỉ đạo đầu tư vào nhóm doanh nghiệp mà không tổ chức họp HĐTDCS. Cán bộ tín dụng phụ trách hồ sơ lập khống biên bản họp HĐTDCS rồi bị cáo ký sẵn biên bản họp để các thành viên khác ký vào không tổ chức họp theo quy định…

Ngoài ra, bị cáo Chuyển chỉ đạo em ruột là bị cáo Nguyễn Hùng Cường lập chứng từ khống về kinh doanh hiệu quả làm hồ sơ vay vốn, làm thủ tục gửi đến hội sở VCB duyệt hạn mức tín dụng 150 tỉ sau đó rút tiền đảo nợ không sản xuất kinh doanh nên mất khả năng thanh toán số tiền đã giải ngân.

Tổng số 56 hợp đồng tín dụng mà bị cáo duyệt cho 41 doanh nghiệp vay đã gây thiệt hại VCB hơn 1.800 tỉ đồng. Đây là số tiền thiệt hại đặc biệt lớn.

Theo VKS, bị cáo Chuyển vì muốn tô bóng thành tích của bản thân, vì lợi ích cá nhân của bị cáo, bị cáo đã điều tiết hoạt động tín dụng của VCB Tây Đô bất chấp những quy chế, quy định của Ngân hàng Nhà nước, VCB...

Trong khi đó, theo báo Tuổi Trẻ, bị cáo Chuyển cho rằng việc lập khống hồ sơ vay vốn để giải ngân cho các doanh nghiệp chỉ là muốn giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về vốn trước mắt, chứ không nghĩ việc mình làm gây thiệt hại cho VCB Tây Đô. Bị cáo Chuyển thừa nhận sai lầm lớn nhất là đã gây thất thoát tiền của ngân hàng.

Đào Vũ (Tổng hợp)