Sức khỏe

Lồng ruột ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, các bậc phụ huynh hết sức lưu ý

Lồng ruột là căn bệnh nguy hiểm với trẻ em đặc biệt ở độ tuổi dưới 12 tháng, các bậc phụ huynh nên hết sức lưu ý.

Trong thời gian gần đây, bệnh viện đa khoa quận Thủ Đức đã tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi bị lồng ruột trong độ tuổi từ vài tháng đến hơn 1 tuổi.

Theo báo Sức khoẻ đời sống, các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nôn ói nhiều, đau bụng có cơn. Sau khi thăm khám, các bé được can thiệp lồng ruột bằng hơi và được xuất viện sau 24 giờ can thiệp.

Trước đó vài ngày bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi Đ.N.G.A (sinh năm 2017) vào viện trong tình trạng nôn ói và đau bụng nhiều theo cơn.

Thông qua đánh giá trên lâm sàng bệnh nhân không có triệu chứng nhiệm trùng, ghi nhận trên siêu âm chưa thấy giảm lượng máu nuôi nên các bác sĩ đã quyết định tháo lồng ruột bằng hơi cho bé.

Theo báo Gia đình và Xã hội, trường hợp nhỏ tuổi nhất bị lồng ruột là bé T.N.N.D (5 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng quấy khóc, đau bụng.

Bệnh nhân được người nhà đưa tới sớm do đã có kinh nghiệm bé bị lồng ruột trước đó rồi nên khi thấy xuất hiện các triệu chứng quen thuộc đã ngay lập tức đưa bé tới bệnh viện để được khám và điều trị.

Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em, có đến 80% ca bệnh gặp ở trẻ từ 2 đến 3 tuổi. Đó là hiện tượng khúc ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng khúc ruột phía dưới (hay ngược lại), làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột.

Hiện nay, nguyên nhân gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em vẫn chưa xác định rõ, tuy nhiên 1 số giải thích được đưa ra do sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột hoặc sau viêm đường hô hấp cũng có thể liên quan đến lồng ruột.

Các y bác sỹ thời gian khuyến cáo ưu tiên tháo lồng ruột bằng hơi từ 5 đến 6 giờ kể từ khi bệnh nhi xuất hiện tình trạng đau bụng. 

Các biểu hiện cần lưu ý:

Đau bụng: Trẻ có biểu hiện đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.

Nôn: Nôn ra thức ăn ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng.

Đại tiện ra máu: Trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, đại tiện ra máu có thể xuất hiện sớm ngay sau cơn đau hoặc xuất hiện muộn sau 24 giờ. Xuất hiện 95 % ở trẻ còn bú.

Đại tiện máu cùng với nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn.

Trả lời báo chí, bác sĩ Phùng Đức Tiến – Khoa Ngoại tổng quát, bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: "Trẻ nhỏ thường bị lồng ruột do nhiều nguyên nhân. Các triệu chứng sớm thường gặp trong lồng ruột là nôn ói nhiều, đau bụng có cơn, để lâu sẽ dẫn tới các bé không trung đại tiện được hoặc đi cầu ra máu. Các bậc cha mẹ cần lưu ý theo dõi chặt chẽ để có thể phát hiện và đưa trẻ tới bệnh viện sớm để được can thiệp kịp thời. Nếu phát hiện quá muộn rất có thể trẻ sẽ phải trải qua một cuộc mổ để tháo lồng do ruột bị hoại tử vì thiếu máu nuôi và ứ đọng dịch tại vị trí tắc".

Sam (tổng hợp)