Dân sinh

Dịch cúm A/H5N1 bùng phát, nông dân lo… mất Tết

Những ngày giáp Tết đang cận kề, nhưng tại xã Long Sơn (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đang bùng phát ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, uy hiếp các xã chăn nuôi gia cầm lân cận và khiến người dân lao đao lo mất Tết.

Nỗ lực dập dịch…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết, UBND huyện Cần Đước đã công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại xã Long Sơn. Cùng lúc đó, phân vùng dịch uy hiếp tại các xã: Long Cang, Long Hòa, Tân Trạch và Phước Vân. Các xã còn lại trong huyện thuộc vùng đệm dịch.

Trước đó, cúm A/H5N1 xuất hiện tại đàn gà của ông Điền Văn Kiều (ấp 4, xã Long Sơn) với 400 con. Ông Kiều không báo cho ngành thú y mà tự mua thuốc về điều trị. Hậu quả, dịch tiếp tục lây lan sang đàn vịt 5.500 con của bà Nguyễn Thị Ánh Hồng và đàn vịt 3.600 con của bà Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Chi cục Thú y vùng VI cho biết, mẫu huyết thanh trên gia cầm tại xã Long Sơn được ngành thú y địa phương gửi đến chi cục xét nghiệm đã bị nhiễm cúm H5N1.

Trại chăn nuôi của một hộ tại xã Long Sơn vắng hoe sau khi đàn gà bị tiêu hủy do bị nhiễm cúm A/H5N1.

Để khống chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Chi cục Thú y vùng VI đã yêu cầu địa phương tập trung phun sát trùng và đẩy mạnh công tác tiêm phòng để bảo vệ đàn gia cầm của người dân đang nuôi phục vụ Tết.

Phòng NN&PTNT huyện Cần Đước phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y, thủy sản, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND xã Long Sơn tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gà ở các hộ chăn nuôi này, tiến hành phun thuốc vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn khu vực.

Chủ tịch UBND xã Long Sơn Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện xã đã khoanh vùng ổ dịch, tổ chức tiêu độc chuồng trại tại vùng dịch; cũng như tổ chức chốt kiểm soát dịch bệnh trên các trục giao thông trên địa bàn xã Long Sơn.

Hiện nay, dịch cúm A/H5N1 đã gây thiệt hại 6.000 con gia cầm. Trước đó, nông dân xã đã chuẩn bị hơn 40.000 con gia cầm cho dịp Tết.

Năm 2018, dịch cúm gia cầm A/H5N6 cũng đã xuất hiện tại ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước.

Ngày 7/1, ông Nguyễn Hồng Chương – Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Cần Đước cho biết, ổ dịch cúm A/H5N1 tại xã Long Sơn chỉ mới khống chế được 30%.

Chi cục Thú y tỉnh Long An đã chuyển về cho xã Long Sơn 20.000 liều vaccine cúm A/H5N1 và 20 lít thuốc sát trùng để phun bảo vệ đàn gia cầm hơn 43.000 con ở xã Long Sơn đang tập trung bán dịp Tết.

Cán bộ thú y tiêu độc, khử trừng trong khu vực xảy ra cúm A/H5N1.

Ngoài việc hỗ trợ miễn phí vaccine đối với những hộ chăn nuôi gia cầm có tổng đàn dưới 2.000 con, đối với các hộ chăn nuôi trên 2.000 con, huyện vận động chủ động sát trùng và phun xịt khử trùng chuồng trại định kỳ đề phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của mình. Người chăn nuôi cần chủ động báo ngay cho chính quyền địa phương khi thấy gia cầm chết đột ngột không rõ nguyên nhân.

Nông dân ngay ngáy… mất Tết

Tại xã Tân Lân – một xã nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp với số lượng hơn 570.000 con, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Quốc Cường cho biết, mặc dù hầu hết gia cầm được nuôi trong chuồng lạnh, nông dân đã tiêm ngừa cúm theo định kỳ nhưng cũng cảm thấy lo.

“Đang vào mùa bán trứng gà Tết với giá khá tốt, nhưng nếu mất cảnh giác để dịch cúm xảy ra, người nuôi gà đẻ trứng trên địa bàn sẽ tổn thất rất lớn”, ông Cường cảnh báo.

Hiện, chính quyền xã Tân Lân đang đẩy mạnh khuyến cáo đến người nuôi gia cầm trên địa bàn chủ động phòng chống cúm gia cầm, nhất là khi ổ dịch đang bùng phát tại xã Long Sơn ngay bên cạnh.

Nhiều đàn gia cầm tại các xã lân cận có nguy cơ bị dịch đe dọa

Tuy nhiên, một số xã lân cận vẫn còn thờ ơ và thậm chí chưa nắm được thông tin về ổ dịch cũng như những biện pháp để phòng tránh. Ông Bùi Văn Duốt, Trưởng ấp Cầu Nhỏ, xã Mỹ Lệ - một trong những xã có số lượng nuôi gia cầm lớn của huyện Cần Đước, cho biết, cho đến giờ, sau một tuần ổ dịch cúm A/H5N1 bùng phát ở xã Long Sơn, ông không được thông báo cần phải khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn ấp chuẩn bị các bước phòng chống dịch cúm gia cầm. “Tôi không nghe ban ngành chức năng cảnh báo gì cả”, ông nói.

Theo ông Duốt, tại ấp Cầu Nhỏ có 7 trang trại nuôi gà đẻ trứng và vài trại nuôi vịt đẻ. Tổng cộng lượng gia cầm hơn 100.000 con.

Ông Trần Văn Lắm (ấp Cầu Làng, xã Mỹ Lệ) – một hộ đang nuôi hơn 1.000 con vịt đẻ trứng, bảo đến giờ ông cũng không biết thông tin ở xã Long Sơn bùng phát cúm A/H5N1.

“Ở xã có trạm phát thanh, nhưng không nghe phát thông tin này để người nuôi gia cầm trên địa bàn cảnh giác, phòng tránh dịch cúm”, ông nói.

Nga Quỳnh (t/h)