Tài chính - Ngân hàng

Hậu kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Vietjet "bốc hơi" 412 tỷ đồng

Sau kiểm toán lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 của CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) sụt giảm hơn 412 tỷ đồng so với con số trong báo cáo tài chính doanh nghiệp tự lập.

CTCP Hàng không Vietjet mới đây đã có giải trình biến động lợi nhuận sau thuế TNDN theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2019.

Lợi nhuận sau thuế của Vietjet "bốc hơi" 412 tỷ đồng sau kiểm toán

Theo đó, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất hậu kiểm toán năm 2019 của Vietjet lần lượt đạt 3.109 tỷ đồng và 3.807 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 38 tỷ đồng và 412 tỷ đồng so với BCTC doanh nghiệp tự lập.

Ngoài ra so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 của Vietjet giảm 1.528 tỷ đồng, tương đương 28,64%.

Giải trình về biến động lợi nhuận trên, Vietjet cho rằng do lùi kế hoạch bán tàu say sang các năm sau nên số tài bay bán ra là 7 chiếc so với 16 chiếc của năm 2018.

Doanh thu bán tàu bay vì vậy giảm so với năm 2018 và lợi nhuận chưa thực hiện đối với số tàu này, lợi nhuận từ bán tàu bay vì thế giảm 28,64% so với năm trước.

Tại ngày lập BCTC kiểm toán năm 2019, Vietjet bổ sung thêm phần tăng trích lập chi phí dự phòng nên chênh lệch giảm thêm 9,77% (412 tỷ đồng) so với trước kiểm toán.

Mới đây, Vietjet cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với doanh thu và lỗ sau thuế hợp nhất quý I/2020 của Vietjet lần lượt là 7.222 tỷ đồng và 989 tỷ đồng, tiền mặt duy trì ở mức 2.452 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên từ khi niêm yết, công ty có một quý hoạt động lỗ.

Theo Vietjet, mức lỗ nói trên thấp hơn dự kiến của ban lãnh đạo công ty và ở mức tích cực so với toàn ngành hàng không. 

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Vietjet đạt 47.608 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu là 17.661 tỷ đồng bao gồm nguồn cổ phiếu quỹ, tăng 26% so với năm trước. Chỉ số thanh khoản hiện hành duy trì ở mức 1,4 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,77 lần.

Theo hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các đối tác cho vay về việc giãn các khoản phải trả từ 3 - 12 tháng. Vietjet cho rằng điều này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để tập trung vào các giải pháp đi qua đại dịch và sẵn sàng nguồn lực khi thị trường khôi phục và bật tăng trở lại.

Quý I/2020 là giai đoạn hầu hết các doanh nghiệp hàng không đều chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Trước đó, Vietnam Airlines đã báo lỗ sau thuế hơn 2.600 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn FLC cũng ghi nhận khoản lỗ chạm mốc 1.900 tỷ đồng, trong đó có một phần lỗ từ mảng hàng không.  

Khánh Linh