Tài chính - Ngân hàng

Lợi nhuận bết bát, bất động sản co hẹp, bà chủ Quốc Cường Gia Lai tính xoay xở thế nào?

Tiếp tục vết trượt dài trong năm 2018, không chỉ liên tục gặp khó trong những dự án đang triển khai, tập đoàn Quốc Cường Gia Lai của Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt tài chính.

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 với kết quả kinh doanh bết bát nối dài từ 2018 đến nay. Quý đầu năm 2019, lợi nhuận gộp ghi nhận từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng, giảm gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, chi phí lãi vay 3 tháng đầu năm của công ty lên đến 10,4 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng rất thấp, chỉ đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 6 lần so với quý I/2018. Lãi trước thuế ở mức 6,1 tỷ đồng, giảm 86,7% và lãi sau thuế 5,56 tỷ đồng, giảm 84,2%. Lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ còn 5,36 tỷ đồng, giảm 82,5% so với cùng kỳ.

Từ đầu quý I/2019, Quốc Cường Gia Lai đã thu hẹp các hoạt động trong mảng bất động sản. 

Đến cuối tháng 3/2019, tiền và các khoản tương đương tiền của QCG giảm mạnh 60% về 53 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt hơn 7,8 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng gần 37 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho của công ty tính đến cuối tháng 3/2019 ghi nhận 7.382,6 tỷ đồng, bất động sản dở dang chiếm gần 94%, tương đương 6,932 tỷ đồng. Bất động sản dở dang được ghi nhận ở đây chủ yếu là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án.

Đối với chi phí xây dựng cơ bản dở dang, trong tổng giá trị hơn 245 tỷ đồng thì dự án nông trường cao su chiếm gần 236 tỷ đồng và dự án thủy điện Ayun Trung chiếm gần 5 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế trong công ty liên kết tính đến ngày 31/03/2019 hơn 2 tỷ đồng.

So với vốn chủ sở hữu, nợ phải trả của QCG tính đến cuối kỳ đã vượt 2.320 tỷ đồng lên mức 6.484 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả ngắn hạn khác chiếm hơn 4.642 tỷ đồng.

Theo QCG, lợi nhuận giảm trong quý I vừa qua là do công ty bàn giao căn hộ cho khách hàng không có thu nhập từ chuyển nhượng tài chính.

Kể từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp phố núi có động thái thu hẹp các hoạt động trong mảng bất động sản. Ngày 9/1/2019, HĐQT QCG ra nghị quyết giảm 195,3 tỷ đồng vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng. Đây chính là công ty vướng thông tin về vụ lấp sông Hàn để phân lô bán biệt thự.

Gần đây nhất, ngày 18/4, QCGL cũng phải giải thể CTCP bất động sản Hiệp Phát tại TP.HCM do hoạt động không hiệu quả. Đây là một trong những công ty con QCG sở hữu 90% vốn.

Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai - bà Nguyễn Thị Như Loan đang đối mặt với khó khăn trăm bề

Tại hội nghị gặp gỡ giữa 100 doanh nghiệp với UBND TP.HCM ngày 10/4 do Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai - bà Nguyễn Thị Như Loan thừa nhận khó khăn khi công ty có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Thậm chí, “Người đàn bà thép” còn rơm rớm nước mắt khi chia sẻ, nếu không vì tập đoàn, không vì anh em công nhân thì bà đã tự tử từ lâu.

Năm 2018 là cột mốc mở ra giai đoạn giảm tốc của QCG, công ty đạt lợi nhuận sau thuế hơn 101 tỷ đồng, giảm 74,6% so với năm 2017. Doanh nghiệp bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực vì thị trường bất động sản gặp nhiều rủi ro về pháp lý với những hoạt động rà soát đất công, thanh kiểm tra hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM.