Sự kiện

Sản phụ tử vong tại bệnh viện Việt Pháp: Đẫm nước mắt lời kể người cha

Dù đã gần 1 tuần trôi qua nhưng với gia đình chị N.Q.P (24 tuổi, Hà Nội), sản phụ đã tử vong do biến cố sản khoa tại bệnh viện Việt Pháp, nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên.

“Các bác sĩ đã bỏ qua cơ hội vàng để cứu con tôi”

Ngôi nhà nhỏ của sản phụ N.Q.P mấy ngày nay luôn đông đủ những người thân trong gia đình. Thế nhưng, sự đông đủ không mang lại cảm giác sum vầy ấm cúng thường ngày, ai nấy đều ngậm ngùi nhìn chị P mỉm cười qua tấm di ảnh đặt trên bàn thờ nghi ngút khói hương.

Ngồi đối diện với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Bình - bố sản phụ P - không giấu nổi sự thống khổ trong ánh mắt. Người đàn ông ấy, dù đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt cuộc đời, song khi phải trải qua nỗi đau “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” dường như chưa thể gượng lại sau nỗi đau mất mát.

Ông Bình nghẹn ngào kể lại: Theo lời của con rể tôi, sau khi đỡ đẻ cho P xong, các bác sĩ đều ra ngoài hết. Chỉ còn một người của bệnh viện và chồng P trong phòng mổ. Sau sinh, khi vừa gặp con được vài phút thì P bất ngờ xuất hiện tình trạng chảy máu. Chỉ kịp đưa con cho chồng, rồi chị P cứ thế lịm dần đi.

Vài phút sau khi sự việc xảy ra mới có sự xuất hiện của 1 - 2 y tá. Mặc dù vậy, theo sự chứng kiến của gia đình, các bác sĩ và y tá tại đó xử lý rất chậm chạp và lúng túng. “Nửa tiếng sau khi con tôi bị chảy máu mới có bác sĩ đi vào và chỉ định mổ”, ông Bình nhớ lại.

Cũng theo ông, mọi việc xảy ra quá nhanh khiến gia đình vô cùng bối rối. “Khoảng 13 ngày 1/11, các bác sĩ bắt đầu mổ cho con gái tôi và không cho người nhà vào phòng mổ. Chỉ khi con rể tôi tỏ thái độ gay gắt, họ mới đồng ý để mẹ cháu theo vào bên trong”, ông Bình kể.

Sau đó, nhận thấy tình trạng của sản phụ P không tốt, phía gia đình đã đề nghị cho sản phụ chuyển viện. “Hoặc nếu không thể chuyển viện, chúng tôi cũng muốn bệnh viện mời các bác sĩ sản khoa từ bệnh viện khác sang để phối hợp cứu sống con gái tôi”, ông Bình nghẹn giọng.

Đông đảo bạn bè, người thân đến tiễn đưa sản phụ xấu số.

Thế nhưng, đáp lại những mong mỏi của gia đình, y tá tại đây lại nói rằng phía bệnh viện hoàn toàn có thể bố trí bác sĩ giải quyết được trường hợp này nên không cần phải chuyển viện cho chị P. Đến giờ, ông Bình vẫn nhớ như in về lời khẩn cầu không được đáp ứng của gia đình: “Đến rạng sáng 2/11, phía bệnh viện Việt Pháp Hà Nội mới mời các chuyên gia đầu ngành đến”. Nhưng ở thời điểm đó, mọi chuyện đã muộn…

Chia sẻ thêm với PV, ông Bình cho biết dù đã tiến hành mổ cho chị P vào lúc 1h  sáng 1/11, thế nhưng chỉ 5 tiếng tiếp theo (khoảng 5h30 đến 6h sáng – PV), bệnh viện đã tiếp tục mổ cho sản phụ lần thứ hai. Và lần mổ thứ ba được tiến hành vào lúc 18h30 ngày 3/11.

Tiếp lời, chị Lan Anh – một thành viên gia đình sản phụ, người trực tiếp có mặt tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội - cho biết, ở thời điểm đó, các bác sĩ trong kíp mổ đã nói với nhau rằng huyết áp của sản phụ P lúc này chỉ còn 32. “Tức là huyết áp thấp thì dù có mổ, tình hình vẫn không tiến triển”, chị Lan Anh bức xúc.

Lý do được các bác sĩ đưa ra với gia đình sau hai lần mổ cho sản phụ P lần lượt là băng bó tử cung và cắt bỏ tử cung. Thế nhưng, chị Lan Anh cho biết: “Phía bệnh viện chỉ thông báo với gia đình như vậy mà không có bất kỳ bản cam kết nào”.

Theo thông tin người nhà sản phụ cung cấp, PV Người Đưa Tin Pháp Luật được biết, 1 giờ đồng hồ sau khi sản phụ P gặp biến cố sản khoa, bác sĩ đỡ đẻ trực tiếp mới quay lại phòng cấp cứu.

Hậu quả là, chị P đã trải qua 2 lần ngưng tim, hôn mê sâu và không thể tiếp tục truyền máu. Giọng chùng xuống, ông Bình buồn bã nói: “Các bác sĩ tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã bỏ qua cơ hội vàng để cứu con tôi. Vì xử lý chậm nên con gái tôi mới ra đi oan uổng như vậy”.

Cần sự trung thực và thiện chí từ bệnh viện

Ngước mắt nhìn quanh căn nhà giờ đây thiếu vắng hình bóng cô con gái rồi nhìn sang đứa cháu đỏ hỏn đang khóc ngằn ngặt vì khát sữa mẹ, ông Bình nghẹn ngào nói ông không muốn câu chuyện này trở thành nỗi ám ảnh với tất cả các thành viên trong gia đình.

“Bạn bè đồng nghiệp đều nói P. là người hiền lành, từ trước đến nay đều muốn giải quyết mọi việc trong nhẹ nhàng. Chính bản thân tôi cũng thấy vậy. Cái tôi cần nhất là bệnh viện phải trung thực và nhận ra cái sai của mình”, người cha khốn khổ chia sẻ với PV.

Theo gia đình nạn nhân, để xảy ra sự việc thương tâm trên, trách nhiệm lớn nhất thuộc về phía bệnh viện, do các bác sĩ đã chậm chạp trong quá trình cứu chữa bệnh nhân.

Đến nay, bệnh viện vẫn chưa có một lời giải thích chính xác cho gia đình nạn nhân.

Thậm chí, sau gần một tuần từ ngày xảy ra sự việc, gia đình mới nhận được thông báo nguyên nhân vụ tai biến cho sản phụ P là suy đa tạng dẫn đến mất máu quá nhiều và tử vong.

“Nếu họ có một kết luận đúng với tình trạng tử vong của cháu P thì gia đình tôi sẵn sàng bỏ qua. Thế nhưng, từ khi con gái tôi tử vong, trong khi gia đình tôi quá sức đau đớn vì sự mất mát không thể bù đắp được, họ không có thiện chí muốn giải quyết sự việc với gia đình”, ông Bình nói thêm. Khi được hỏi động thái từ phía bệnh viện khi xảy ra chuyện, ông Bình cho biết: “Tổng giám đốc bệnh viện có đến trao đổi với gia đình tôi, thế nhưng đến tên của con gái tôi, họ cũng chẳng nhớ. Cảm thấy không được tôn trọng, gia đình tôi đã từ chối trao đổi thêm về vụ việc”.

L.T

Trước đó, ngày 4/11 trên mạng xã hội xuất hiện thông tin một sản phụ 24 tuổi đã tử vong tại bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) khi sinh con theo dịch vụ “Thai sản và sinh đẻ trọn gói”.

Thông tin thêm về vụ việc, hiện bộ Y tế cũng như sở Y tế Hà Nội đang tiếp tục làm việc, xin ý kiến của các chuyên gia sản khoa đầu ngành để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Đồng thời, xử lý nghiêm cá nhân hoặc tổ chức nếu phát hiện vi phạm về chuyên môn.