Tâm sự

Lỗi hẹn đoàn viên của một gia đình ở “tâm dịch” Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

“Vượt gần ngàn cây số, mong tranh thủ ghé thăm nhà mà anh không làm được. Nhiệm vụ của các anh đâu chỉ là chống ngoại xâm bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc mà còn phòng chống dịch bệnh - loại giặc đầy nguy cơ gây mối hiểm họa cho đâu chỉ riêng ai, mà cho cư dân toàn cầu. Vậy nên, lỗi hẹn đoàn viên mùa dịch đâu chỉ riêng của một gia đình nào!”.

Đó là những dòng mở đầu tâm sự trong những ngày “tâm dịch” Vĩnh Phúc đang “nóng” hơn bao giờ bởi SARS-CoV-2, của một người vợ tại huyện Bình Xuyên, có chồng là bộ đội, đóng quân tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, Điện Biên.

Chị là giáo viên Trần Thị Điều (SN 1971), hiện đang là giáo viên trường THCS Lý Tự Trọng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), còn chồng chị là Trung tá Khổng Minh Phương, Trợ lý dân vận Đoàn Kinh tế - Quốc Phòng 379, Quân khu 2. Những ngày qua, khi Bình Xuyên, Vĩnh Phúc trở thành “tâm dịch”, chồng chị trên đường công tác qua địa phận xã, nghỉ lại một đêm trước khi nhận nhiệm vụ tại địa phương khác, nhưng cũng không thể ghé qua nhà thăm các con, khiến lòng chị càng buồn lặng lẽ.

Chị có thói quen chép lại những đoạn hồi ức, cảm xúc để lưu giữ làm kỷ niệm cho riêng mình, vì thế, hôm nay, chị lại viết:

Mấy ngày nghỉ phòng dịch, mẹ con tôi có nhiều thời gian bên nhau hơn, nền nếp sinh hoạt có vẻ thong thả hơn chút. Trước đó, bọn trẻ thường được mẹ gọi dậy sau 5h để mẹ con cùng đến trường cho kịp giờ. Mấy hôm nay, chúng được mẹ cho phép dậy muộn hơn, còn mẹ chúng thì đã thành thói quen, không ngủ nướng bao giờ. Vừa ra khỏi giường thì thấy điện thoại trên bàn bật sáng do tôi để chế độ yên lặng trong đêm mà chưa kịp chuyển.

- Anh à? Anh về đến đâu rồi? - Tôi hỏi dồn khi thấy hiển thị số máy của bố bọn trẻ.

- Về đến nơi rồi nhé.

- Thế à? Anh chờ chút em lấy chìa khóa ra mở cổng cho.

- Mở làm gì... Anh không được về nhà đâu…

- Sao thế? Thế lúc nào anh mới về nhà?

- Không được về mà lị. Đơn vị không cho ghé thăm nhà đâu, họ lo anh về Bình Xuyên dễ lây bệnh dịch. Anh xuống xe ở đâu đều phải gọi video để họ thấy. Lát nữa đi qua UBND xã Tề Lễ (Tam Nông, Phú Thọ), anh phải gọi để họ thấy anh đang ở đâu. Anh không về nhà như mọi lần đâu nhé! Mẹ con em được nghỉ ở nhà cảnh giác với bệnh dịch đấy. Mà em được nghỉ nhớ quản lý, nhắc nhở các con đi ra ngoài ít thôi, chăm sóc nhau cẩn thận. Có dịp, nhất định anh sẽ về sớm thôi…

Chị Điều (thứ 2, từ trái sang) và các con thường gọi điện thoại hoặc gọi video cho anh Phương.

Chồng tôi công tác theo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379, đóng quân giáp biên giới Việt - Lào, cách nhà khoảng hơn 700km. Anh thường xuyên vắng nhà. Ngoài nghỉ phép hàng năm ra, thỉnh thoảng vài ba tháng, anh lại được đơn vị tạo điều kiện về thăm nhà vài hôm.

Chuyến du lịch hiếm hoi của cả gia đình từ hè năm trước.

Bình thường, cứ vài ba buổi tối, anh gọi về nhà hỏi thăm tình hình công việc sinh hoạt của vợ con. Dịp này, gia đình nhỏ này đang nằm giữa “tâm dịch” của cả nước nên tối nào anh cũng gọi.

Buổi tối hôm trước, anh gọi điện, nói đang trên xe về Quân khu công tác. Tôi chắc mẩm vậy là chậm nhất sáng mai anh sẽ ghé qua nhà rồi bắt xe khách lên Quân khu làm nhiệm vụ như mọi khi.

Cả tôi và bọn trẻ đều đã quen với lối sinh hoạt tự lập khi anh vắng nhà. Bọn trẻ lâu lắm không được gặp bố (trước Tết hơn tháng và cả dịp Tết vừa rồi anh cũng phải trực). Gia đình tôi có lẽ mỗi năm chỉ một đôi lần đủ cả 5 thành viên, nên các con mong bố lắm. Con bé thứ hai nghe xong điện thoại cứ bàn mãi về việc, nếu bố về sẽ nấu món gì ăn thay vì đi ăn bên ngoài, để “né” dịch bệnh.

- Mẹ này, hay là mẹ mua ít khoai lang, khoai tây về chiên, ăn với tương cà cho bố uống bia, còn mẹ con mình uống nước ngọt twister? - Con bé thứ hai tỏ ra hào hứng.

- Này. Chứ không phải mày mong bố về để giúp em trốn việc rửa bát đấy chứ? - Con gái lớn lên tiếng.

- Ứ phải! Bố về đâu chỉ rửa bát cho em? Bố sửa bóng điện kìa, thay quả lọc trong máy lọc nước cho mẹ kìa. Mà chị nói đúng nhưng vẫn thiếu. Ngoài chuyện bố dọn dẹp giúp em, bố còn nấu cho mình ăn ngon nữa. Lại được ăn mực xào dưa, trạch kho hoặc cá nướng… gì đó. Ui ngày mai, ngày mai… Nói rồi, con bé nhảy chân sáo về phòng.

Bố bọn trẻ là người như thế! Mỗi khi có thời gian ít ỏi bên gia đình, anh thường đi quanh nhà kiểm tra các thiết bị điện, bật từng công tắc, thay bóng, sửa sang dọn dẹp nhà cửa sân bãi, hoặc chăm sóc vườn rau, nấu cho vợ con vài món ngon. Đó là lý do các con rất mong bố về. Và cả mẹ chúng nữa…

Hơn 7h, ăn sáng xong, bọn trẻ mới sực nhớ ra sao không thấy bố, con bé em hỏi dồn:

- Mẹ ơi, bố đâu? Bố chưa về đến nơi à? Sao mẹ không gọi cho bố hỏi xem?

- Bố không về nhà được.

- Sao thế ạ? Sao hôm qua bố không nói trước đi, làm hôm nay con mất hứng - con bé phụng phịu.

- Không hôm nay thì hôm khác bố về. Nếu con muốn ăn thì mẹ mua về con tự làm cũng thế có sao đâu mà cứ phải chờ bố?

- Nhưng mà… cả nhà ăn cùng mới thích chứ? Mẹ chả bảo ngạn ngữ Anh có quan niệm về 5 điều để có bữa ăn ngon là gì: Thức ăn ngon, lúc ăn ngon, chỗ ăn ngon, trình bày món ăn ngon và… người ăn cùng ăn ngon. Vậy có đủ người đâu mà ngon? Dịch với bệnh, chán... Học thì ru rú chả có thầy cô bạn bè gì, học qua mạng cứ ôm cái máy tính mỏi cả mắt, muốn đi đâu làm gì cũng chả được. Biết bao giờ Bình Xuyên hết dịch để bố được về chứ?

Bữa ăn ngon nhất là phải đủ 5 thành viên, đó là lý giải của cô con gái út.

Thời gian này, tại Bình Xuyên đã xác nhận ca nhiễm thứ 11, cũng là ca thứ 16 trên toàn quốc. Nhà nước, nhân dân các bộ ban ngành, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhà nhà, người người đều phải nghiêm túc tuân thủ các cảnh báo, khuyến cáo từ bộ Y tế và sự chỉ đạo của cấp trên nên chồng tôi cũng không ngoại lệ.

Tránh đi vào và tiếp xúc người vùng dịch là việc nên làm lúc này. Kỷ luật quân đội - thiết quân luật, kỷ luật thép cơ mà! Hy sinh chút tình riêng của bản thân lại rèn cho anh đức tính kỷ luật chẳng tốt hay sao?

Sáng hôm sau anh lên đường lên Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ, cách quê tôi chục cây. Anh ấy là Phó Trưởng ban Cứu hộ cứu nạn của Quân khu. Công việc xong, anh đón xe trở về đơn vị ngay trong ngày để đúng thời gian cho nhiệm vụ mới. Lần nào cũng vậy, về đến đơn vị anh gọi về nhà ngay. Mọi chuyện diễn ra đúng theo kế hoạch, cả thời gian và nội dung công việc. Tuy nhiên, lần này có chút khang khác. Chiều tối cùng ngày anh về đến đơn vị, anh gọi video về nhà. - Này. Anh có bị ốm không? Anh đang ở viện nào à? - Tôi hỏi vì thấy qua video cạnh giường đơn anh nằm sao lại có tủ thuốc và mấy tấm poster cảnh báo dịch bệnh như thể anh đang trong bệnh viện.

- Ừ. Anh đang trong bệnh xá của đơn vị. Có bị sao đâu nhưng đang phải cách ly. Anh viết bản cam đoan là không về qua Bình Xuyên. Thôi, cũng là tuân lệnh cấp trên vậy... Chỉ tiếc là đơn vị còn nhiều việc mà mình thì tự nhốt mình gần hai tuần ở đây thôi. Nếu không giờ này bọn anh đang phải vào tận bản để khử khuẩn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong ấy cách phòng chống dịch...

Các con chị vẫn miệt mài học trực tuyến và tự giác làm bài tập ở nhà, theo lời dặn dò của bố.

Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi lại tiếp tục suy nghĩ: “Dù sao, đơn vị cũng có cái lý, họ lo trước, phòng xa vì cộng đồng an lành mà thôi nên chả trách họ được. Phòng chống dịch bệnh như phòng chống giặc mà phòng còn hơn chống ấy chứ!

Không riêng gì anh, mà biết bao người chọn màu áo lính là như thế: xa gia đình, xa vợ con, người thân và bè bạn, sống trong doanh trại nơi này nơi khác đó đây trên dải đất hình “chữ S” thân yêu này với sứ mệnh cao cả mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Vượt gần ngàn cây số, mong tranh thủ ghé thăm nhà mà anh không làm được. Nhiệm vụ của các anh đâu chỉ là chống ngoại xâm bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc mà còn phòng chống dịch bệnh - loại giặc đầy nguy cơ gây mối hiểm họa cho đâu chỉ riêng ai mà cho cư dân toàn cầu.

Vậy nên lỗi hẹn đoàn viên mùa dịch đâu chỉ của riêng một gia đình nào. Hãy biết hy sinh chút riêng tư của bản thân vì một cộng đồng lành mạnh, một thế giới bình an”.