Góc nhìn luật gia

Lợi dụng dịch Covid đầu cơ hàng hóa: Vi phạm cả đạo đức và pháp luật!

"Hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ hàng hóa thì về đạo đức hay pháp luật đều không cho phép", Luật sư nhìn nhận.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, một số đối tượng đã lợi dụng để đầu cơ, tích trữ hàng hóa, nâng giá bán các mặt hàng thiết yếu, nhằm trục lợi.

Việc găm hàng, đầu cơ đã tạo ra sự “khan khiến ảo” một số mặt hàng thực phẩm trong khoảng thời gian nhất định, điều này đã khiến cho dư luận bức xúc. Thậm chí, nhiều ý kiến phản ánh, tại thành phố Hồ Chí Minh, giá những loại rau củ “bình dân” tăng chóng mặt trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội…

Hiện tượng "vét" hàng ở siêu thị khiến một số mặt hàng khan hiếm cục bộ (ảnh minh họa).

Xung quanh vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận: “Ngay từ đợt dịch đầu tiên, chúng ta đã thấy hiện tượng tăng giá bán khẩu trang cũng như các thủ đoạn vơ vét, găm hàng, tạo sự khan hiếm nhằm đẩy giá lên cao chóng mặt. Hoặc hiện nay, nhiều địa phương đang phải áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế người dân đi lại nếu không thực sự cần thiết. Các chợ truyền thống đa phần đã tạm ngưng, chỉ những chợ trong danh sách đảm bảo công tác phòng, chống dịch mới được mở lại. Hàng hóa chủ yếu được bán trong hệ thống siêu thị.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành lân cận thành phố Hồ Chí Minh cũng đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc vận chuyển hàng hóa vào Thành phố gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến việc một số mặt hàng khan hiếm hơn, giá cả biến động, mặc dù chính quyền đã có nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn cung cũng như bình ổn giá”.

Vị luật sư phân tích: “Việc một số cá nhân đã lợi dụng tình hình trên, xếp hàng trong siêu thị để mua nhiều mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm với giá thấp, sau đó mang ra ngoài bán với giá cao hơn nhằm trục lợi hoặc các cửa hàng tiện ích đẩy giá nhiều mặt hàng lên cao để bán cho người dân thì về đạo đức hay pháp luật đều không cho phép.

Đáng lẽ ra những lúc thế này, họ phải cùng chung tay với người dân, với chính quyền để giúp nhau vượt qua dịch bệnh, ổn định cuộc sống. Đầu cơ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng do biến động của giá cả mà còn làm cho hoạt động của thị trường căng thẳng, mất ổn định, gây khó khăn cho việc điều tiết thị trường của Nhà nước”.

Luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh).

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng: “Hành vi đầu cơ hàng hóa có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt tiền từ 5 triệu đồng – 100 triệu đồng, tùy vào hành vi vi phạm. Hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động… và phải nộp lại số lợi bất chính thu được, nếu là tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp đôi”.

Ông Bình nhấn mạnh: “Nghiêm trọng hơn, hành vi đầu cơ hàng hóa thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ, theo Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh… để mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, nhằm bán lại để thu lợi bất chính, sẽ bị xem xét xử lý về tội này. Mức phạt tù cao nhất của tội này lên đến 15 năm tù, tùy theo mức độ vi phạm.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì có thể bị xử phạt mức tối đa lên đến 9 tỷ đồng, bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm”.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi găm hàng, vi phạm về giá

Mới đây, cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn về việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch.

Theo đó, cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, vi phạm về giá, vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg… Trong đó, chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, các mặt hàng thực phẩn tươi sống.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).