Tiêu điểm

Lối đi nào cho bệnh viện tự chủ?

Theo ĐBQH, tự chủ bệnh viện là vấn đề khó, nhưng nếu giải quyết được vấn đề giá khám bệnh theo yêu cầu thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh.

Động lực để thay đổi và phát triển

Chiều 6/1, thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, qua theo dõi thảo luận cho thấy còn 2 vấn đề đó là giá dịch vụ khám chữa bệnh và tự chủ bệnh viện.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần phân hai luồng giá viện phí. Một là giá được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả. Đây là một vấn đề rất là quan trọng, Luật cần phải nêu rõ.

Vì đây chính là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng và bảo hiểm xã hội, với vai trò bảo đảm an sinh đã có nhiều cố gắng trong thời gian qua với tỉ lệ bao phủ lên đến 92% trong năm nay vượt với yêu cầu của Quốc hội, có lộ trình tới năm 2025 là 95%.

“Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám chữa bệnh, Luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phát biểu ý kiến.

Hai là về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, theo đại biểu, đây là chính là động lực để các bệnh viện và ngành y tế thay đổi và phát triển.

“Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như: trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt…”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Cùng với đó, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám chữa bệnh bảo đảm công khai, giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Về vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đây là vấn đề khó nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá khám bệnh theo yêu cầu thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh.

“Đây chính là lối đi của tự chủ, làm tốt, thu được tốt thì đủ tiền để đầu tư phát triển thương hiệu. Theo tôi, Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân trong các tình huống cấp cứu”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng góp ý về Điều 67 quy định về dinh dưỡng; cấp lại giấy phép hành nghề.

Năng lực quản trị quyết định việc tự chủ

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá cao ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung liên quan đến giá dịch vụ y tế và tự chủ bệnh viện.

Đồng tình với nguyên tắc giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh. Tuy nhiên, các nội cụ thể của dự thảo luật lại chưa cụ thể hóa các nguyên tắc vừa nêu.

Về tự chủ, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết dự thảo quy định các đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, chi đầu tư, được quyền xác định giá, tự chủ về tổ chức, lao động, nhưng khi đọc kỹ dự thảo cho thấy các quyền này gần như không được thực hiện.

Để tự chủ, điều quan trọng nhất là bệnh viện hay cơ sở khám, chữa bệnh phải có đủ khả năng tự quyết định những vấn đề khám, chữa bệnh.

Như vậy, năng lực về tự chủ hay năng lực về quyết định những vấn đề của bệnh viện phải là điều kiện tiên quyết cho việc quyết định đơn vị đó có tự chủ hay không.

ĐBQH Hoàng Văn Cường góp ý kiến tại phiên thảo luận.

Vì vậy, dự thảo phải đưa ra một điều hoặc mục quy định về điều kiện đơn vị khám, chữa bệnh được tự chủ.

Hơn nữa, tự chủ có nhiều mức khác nhau tuy nhiên trong dự thảo luật này chỉ đề cập đến một loại bệnh viện là tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, như vậy chưa phát huy, khuyến khích các bệnh viện từ các mức tự chủ thấp lên tự chủ cao.

Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nay đang quy định những bệnh viện tự chủ cao nhất được quyền xác định giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định. Quy định như vậy đại biểu cho rằng có 2 điều mâu thuẫn.

Thứ nhất vô hình chung tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định một mức giá cao hơn giá do nhà nước quy định, bởi được tự chủ quyết định không vượt quá khung. Như vậy vô hình chung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ.

Mâu thuẫn thứ hai, giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của Nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được.

Như vậy, người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân.

Theo đại biểu, quy định như vậy vừa loại bỏ cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn được hưởng dịch vụ cao của người thu nhập cao, vừa loại bỏ cơ hội để cho các bệnh viện tự chủ vươn lên, nâng cao trình độ.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh có vai trò to lớn

Cũng cho ý kiến về giá dịch vụ khám chữa bệnh, ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị lựa chọn phương án 2 về giá dịch vụ y tế, thẩm quyền của Nhà nước trong định giá dịch vụ y tế khám bệnh, chữa bệnh với các lý do:

Hiện nay, hầu hết các đơn vị y tế công lập, đặc biệt các bệnh viện được trao quyền tự chủ, vừa đảm bảo mục tiêu công bằng trong khám, chữa bệnh vừa hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ chế tự chủ gắn liền với việc tự chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Giá dịch vụ y tế đối với ngành y tế, đặc biệt là giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có vai trò to lớn đối với việc thực hiện tự chủ tài chính y tế.

ĐBQH Trần Thị Khánh Thu.

Nữ đại biểu đoàn Thái Bình nhấn mạnh, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu tại các cơ sở y tế là dịch vụ do đơn vị cung cấp trên cơ sở tự nguyện theo yêu cầu của người bệnh hoặc người nhà người bệnh với trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phục vụ, đáp ứng được nhu cầu của người dân trong và ngoài nước.

Đối với việc xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo hướng giá cả phù hợp với giá trị tùy theo từng chuyên ngành, từng nhóm, từng dịch vụ và xây dựng phương án chi phí của các dịch vụ và quyết định phương thức, mức giá của từng dịch vụ theo nguyên tắc tính đủ các chi phí và có tích lũy để tái đầu tư. Giá dịch vụ phù hợp với thị trường và khả năng chi trả của nhóm đối tượng khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thì hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định, thanh toán thêm phần chênh lệch giữa chi phí khám chữa bệnh theo yêu cầu và bảo hiểm y tế mà người bệnh chi trả; bệnh viện thì thỏa thuận, thống nhất với người bệnh trước khi thực hiện dịch vụ theo yêu cầu trên cơ sở công khai, minh bạch.