Tiêu điểm thế giới

Lời cảnh báo nguy cơ thiếu lương thực với Vương quốc Anh

Ông chủ chuỗi cửa hàng bán lẻ Co-op - Vương quốc Anh nhận định, tình trạng thiếu lương thực hiện tại ở đất nước này đang ở mức tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến.

Nếu gần đây bạn đến mua sắm tại siêu thị địa phương và hụt hẫng tự hỏi “tại sao một số kệ hàng thiếu yếu lại trống rỗng như vậy chứ?”, thì có thể bạn đã gặp tình huống tương tự như người tiêu dùng tại Vương quốc Anh.

Ông chủ của Co-operative Group, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ Co-op, đã cho biết rằng tình trạng thiếu lương thực hiện tại ở đất nước này đang ở mức tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến.

Tại sao nước Anh đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực?

Hiện nay, lời cảnh báo nguy cơ thiếu lương thực sớm trở thành hiện thực ở một nền kinh tế giàu có như Vương quốc Anh bởi một số yếu tố bao gồm tình trạng thiếu hụt lao động, các quy định nhập cư mới và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch. Một số công ty lớn đã bị ảnh hưởng, điều này tác động đến nguồn cung của mọi thứ.

Ước tính thiếu hụt khoảng 100.000 tài xế xe tải sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, gây gián đoạn việc vận chuyển thực phẩm đến các siêu thị. Các nhà máy chế biến, nhà kho, và trang trại cũng thiếu lao động, điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tắc nghẽn dòng cung ứng thực phẩm.

Theo bà Kate Nicholls, Giám đốc điều hành Hiệp hội UK Hospitality, vị trí nhân viên đầu bếp, bồi bàn, giám sát, nhân viên gác cửa, nhân viên bảo vệ đều đang cần nhu cầu rất lớn, và các nhà tuyển dụng phải tăng lương. Điều này tăng áp lực lên chi phí lương thực, vốn đã gia tăng bởi sự gián đoạn hậu cần do Brexit và sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez vào tháng 3 vừa qua.

Một số doanh nghiệp cho rằng một phần nguyên nhân của sự thiếu hụt nhân lực bắt đầu từ hệ thống nhập cư tiêu chuẩn mới hậu Brexit.

Một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho hay, với hệ thống nhập cư mới, các nhà tuyển dụng nên tập trung đầu tư vào nguồn lao động trong nước, thay vì trông chờ vào lao động từ nước ngoài. Các quy định mới ưu tiên nhân lực tay nghề cao cũng làm hạn chế dòng người lao động lương thấp từ Liên minh châu Âu (EU).

Vấn đề càng leo thang trong đại dịch với hàng ngàn người EU rời khỏi Vương quốc Anh. Giờ đây, khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại, nhiều người trong số những lao động này không thể quay về.

Hiện Vương quốc Anh đang thiếu hụt khoảng 400.000 lao động nông nghiệp thời vụ, ngay cả khi Chính phủ đã cấp thị thực cho 30.000 lao động nước ngoài. Các chủ trang trại lo lắng về khả năng tiếp cận nguồn lao động thời vụ thu hái trái cây, trong khi các nhà bán lẻ cũng đang vật lộn tìm kiếm nguồn cung địa phương.

Ông Richard Griffiths, giám đốc điều hành Hội đồng Gia cầm Anh, đã kêu gọi sự can thiệp của chính phủ nhanh chóng cấp thị thực lao động trong khi ngành này đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng, buộc các nhà hàng lớn phải điều chỉnh hoặc thậm chí hủy bỏ dịch vụ. 

Có thể nói nước Anh quyết định mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 7 trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đón nhận cả tin vui và tin buồn.

Về tin vui, ngày 18/7 đài Sky News dẫn thông tin từ bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh cho biết, hơn 46,2 triệu người ở nước này (tương đương 87,8% dân số trưởng thành) đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19 và 35,7 triệu người (67,8% dân số trưởng thành) đã được tiêm đủ 2 liều.

Tuy nhiên, nước Anh cũng đón nhận tin buồn. Đó là vào ngày 16/7, lần đầu tiên trong vòng 6 tháng nước Anh ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm mới trong ngày. Số ca nhiễm đã tăng vọt ở Anh những tuần gần đây, chủ yếu ở những người trẻ chưa tiêm vắc xin.

Theo Hãng tin AP, các nhà khoa học cảnh báo sự kết hợp giữa tỉ lệ ca nhiễm cao và mức tiêm chủng cao "có thể tạo điều kiện cho các biến thể kháng vắc-xin xuất hiện" và tạo ra mối đe dọa cho thế giới.

Ngân hàng lương thực Anh ghi nhận mức tăng kỷ lục về nhu cầu sử dụng lương thực. Ảnh: Independent.

Doanh nghiệp nước Anh đã chịu ảnh hưởng như thế nào?

Tập đoàn siêu thị Co-op cho biết vào tháng 7: "Cũng như nhiều nhà bán lẻ khác, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi một số gián đoạn trong hoạt động giao hàng, hậu cần và vận hành cửa hàng. Nhưng chúng tôi đang liên hệ với các nhà cung cấp để nhanh chóng có nguồn hàng trở lại".

Vào cuối tháng 7, nhà cung cấp sữa lớn nhất của Vương quốc Anh, Arla, báo cáo có tới 1/4 số lượng sữa không được vận chuyển đến các siêu thị như dự kiến vì thiếu tài xế xe tải và công nhân kho hàng.

Trong một dòng twitter vào ngày 11/8, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh chuyên về gà rán KFC đăng tải: "Đã có một số gián đoạn trong vài tuần qua, vì vậy mọi thứ có thể khác một chút khi bạn đến với chúng tôi lần sau." Điều đó có nghĩa  rằng một số mặt hàng sẽ không còn đủ nữa và bao bì "có thể trông hơi khác so với bình thường".

Thương hiệu ẩm thực Nando's cũng đã buộc phải tạm thời đóng cửa khoảng 50 nhà hàng sau tình trạng thiếu nguồn cung gà vào ngày 16/8.

Hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's vào ngày 24/8 cũng buộc phải loại bỏ sữa lắc và đồ uống đóng chai ra khỏi thực đơn của mình do các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Greggs, “gã khổng lồ” làm bánh, cho biết rằng một số sản phẩm thịt gà sẽ bị cắt giảm trên các kệ hàng của hãng vào ngày 25/8. Họ đang gặp "sự gián đoạn tạm thời" trong nguồn cung ứng một số nguyên liệu- mặc dù vào thời điểm đó, không có vấn đề gì với các sản phẩm nướng gà của họ.

Trong một thông báo ngày 25/8, chuỗi cửa hàng bánh sandwich Subway cho biết đang phải đối mặt với "tình trạng thiếu hụt nguồn cung" ảnh hưởng đến các sản phẩm tươi sống. Cùng ngày hôm đó, nhà bán lẻ lớn thứ ba thế giới - Tesco thông báo "có thể có một số thiếu hụt" nhưng kêu gọi người tiêu dùng không nên hoang mang.

Đại diện chuỗi siêu thị Iceland Foods cho biết vào ngày 25/8: "Chúng tôi hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt lớn các nhân viên lái xe HGV, điều này ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm hàng ngày".

Sainsbury's, chuỗi siêu thị lớn thứ hai ở Vương quốc Anh tuyên bố "Số lượng sản phẩm trong danh mục cung cấp có thể bị thay đổi, nhưng các sản phẩm thay thế đều sẵn có và các cửa hàng tiếp tục nhận giao hàng hàng ngày".

Chuỗi siêu thị Morrisons tiết lộ đang gặp phải một số "thách thức" trong tháng 8, đã trở nên tồi tệ hơn bởi nhu cầu thực phẩm đồ uống tăng cao do thời tiết nóng bức và sự thiếu hụt tài xế vận tải.

Vấn đề thiếu lương thực chưa tới mức nghiêm trọng nhưng đã gây ra tranh cãi trong nhiều tháng qua tại xứ sở sương mù. Nó cũng khiến Chính phủ Anh phải đối mặt nhiều hơn với búa rìu dư luận về khả năng ứng phó với đại dịch, cùng những hệ lụy hậu Brexit đối với nền kinh tế và đời sống người dân.

Phạm Thu Thanh (theo Skynews)