Tiêu điểm

Loạt cam kết của Thủ tướng đồng hành cùng doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc mở cửa kinh tế phải an toàn, không thể chủ quan, lơ là, các bước đi phải thận trọng, càng khó khăn càng phải tỉnh táo.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam sáng 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu nhiều giải pháp để tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới.

Nỗ lực lớn để mở cửa nền kinh tế

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự động viên, tin tưởng của các doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

“Trước điều này, chúng tôi càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng phát biểu.

Theo Thủ tướng, trong sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Doanh nghiệp là trung tâm thì mọi chính sách hướng tới doanh nghiệp; doanh nghiệp là chủ thể thì doanh nghiệp đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện các chính sách, phát hiện các vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong chính sách để cùng chung tay tháo gỡ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Thời gian qua, có những việc đã làm được, có những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là phần nhiều. Chính phủ nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp.

Các ý kiến tại cuộc gặp mặt thống nhất nhìn nhận khó khăn hiện nay rất nhiều, chúng ta không lường hết được những diễn biến bất ngờ khi đại dịch xảy ra.

“Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”, Thủ tướng nói.

Thời gian qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 68, Nghị quyết 52, Nghị định 116… để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đây là nỗ lực lớn nhưng so với mong muốn và ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa đạt yêu cầu, Thủ tướng cho rằng cần cố gắng nhiều hơn nữa và mong cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiếp tục chia sẻ với Đảng, Nhà nước.

Cuối quý IV/2021 sẽ tiêm phủ vắc-xin cho nhóm ưu tiên

Đề cập đến mục tiêu thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan trọng nhất là phải kiểm soát được dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Qua quá trình thực tiễn, Thủ tướng tổng kết các trụ cột trong chống dịch gồm: Giãn cách, cách ly nhanh nhất, chặt nhất để phòng dịch; xét nghiệm thần tốc, khoa học và điều trị nhanh nhất, sớm nhất, ngay tận cơ sở. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị thực hiện 5K cộng với chiến lược vắc-xin, vì đây là vũ khí rất quan trọng để phòng dịch.

“Vừa qua công nghệ đã giúp chúng ta đảm bảo an toàn, nhưng phải cộng với sự nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân để dần dần có những bài chiến đấu với dịch bệnh và tự tin mở cửa nền kinh tế”, Thủ tướng nói.

Cũng trong thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, mong muốn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp là tiêm vắc-xin cho người lao động.

Thủ tướng ghi nhận những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua (Ảnh: Nhật Bắc/VPG).

“Với nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chiến lược vắc-xin và đang phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vắc-xin chậm nhất trong quý IV/2021 với các đối tượng ưu tiên như người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các doanh nghiệp… Chúng ta cũng đang nghiên cứu tiêm vắc-xin cho trẻ em”, Thủ tướng cho hay.

Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta phải có lộ trình để mở cửa an toàn, không thể nào chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch bệnh bùng lại thì sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy các bước đi phải thận trọng, càng khó khăn càng phải tỉnh táo.

Cuối cùng, về cải cách thủ tục hành chính, về vốn, đất đai hạ tầng, tiết giảm chi phí cho nhân dân, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cố gắng thực hiện và tháo gỡ thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Ông quán triệt việc tăng cường nguồn lực, khả năng hoạt động ứng phó, đặc biệt trong hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho hay Chính phủ tiếp tục nghiên cứu một số chính sách để phục hồi các lĩnh vực về du lịch, thương mại, dịch vụ.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ chuỗi cung ứng; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, giảm lãi suất... cùng chính sách tiền tệ, tài khóa, đảm bảo các cân đối vĩ mô.