Đời sống

Loại thịt trâu đắt nhất Việt Nam, một cân thịt có giá tiền triệu

Người dân quan niệm ăn loại thịt trâu này sẽ rất may mắn, mạnh khoẻ, vượng phát nên ai cũng canh mua bằng được.

Thịt trâu giàu sắt, vitamin và khoáng chất, riêng Beta-carotene cao gấp nhiều lần so với các loại thịt động vật ăn ngũ cốc. Thịt trâu có rất ít chất béo, chứa nhiều protein hơn thịt bò, nên khi nấu nướng không bị teo lại. Nhiều người còn cho rằng thịt trâu ngon hơn thịt bò, chưa kể giá cả cũng dễ chịu hơn. Thịt trâu tươi thông thường chỉ có giá từ 250-350 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), mỗi kg thịt trâu sau khi tham gia Lễ hội chọi trâu lại có giá lên tới vài triệu đồng/kg, thậm chí thịt của con trâu đạt giải nhất có thể lên đến 5-6 triệu đồng/kg.

Từng bỏ số tiền 6 triệu đồng để mua 1kg thịt thăn trâu chọi về chế biến, chị Nhung, trú tại Đồ Sơn (Hải Phòng) cho biết, từ xa xưa, người dân ở đây quan niệm ăn thịt trâu vô địch cuộc thi chọi trâu sẽ rất may mắn, mạnh khoẻ, vượng phát nên ai cũng canh mua bằng được.

Theo chị Nhung, với các con trâu tham gia cuộc thi và bị loại, giá sẽ từ 1-3,5 triệu đồng/kg nhưng thịt của con trâu đạt giải nhất sẽ có giá từ 5-7 triệu đồng, có năm còn lên tới gần chục triệu đồng/kg. Nếu so sánh với giá vàng thì mỗi kg thịt trâu chọi đạt giải Nhất cuộc thi chọi trâu có giá tương đương 1 chỉ vàng .

“Con trâu vô địch phải 1-2 ngày sau khi cuộc thi kết thúc mới được mổ, tế lễ và bán cho dân, cả nghìn người trong khi con trâu vô địch lại chỉ có hơn tạ thịt ngon nên dù chi nhiều tiền nhưng không phải năm nào cũng mua được để ăn hoặc đi biếu”, chị Nhung nói.

Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. (Ảnh minh họa: Đức Nghĩa)

Lý giải thêm về việc thịt trâu chọi có giá đắt đỏ, một chủ trâu chọi ở Đồ Sơn chia sẻ: “Anh chị thử tính xem một ông trâu mua về đã mất hơn 200 triệu, chi phí thuê người chăm sóc rồi tiền lễ (3 lễ: bắt trâu về trình thần hoàng, lễ vòng sơ loại, lễ vào vòng chính thức) rồi tiền nộp cho phường để tham gia lễ hội (20-25 triệu, tùy từng năm), lệ phí giết trâu,... cũng hơn 300 triệu rồi.

Những người đã từng biết tới giá trị tâm linh của lễ hội này đều hiểu vì sao thịt trâu chọi đắt. Giá thịt trâu chọi mà mọi người bảo “khủng” thực tế có nhiều năm, chủ trâu vẫn phải bù lỗ. Tuy nhiên, vì niềm đam mê, vì muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống của quê hương mà chúng tôi luôn cố gắng duy trì và phát huy, không tính toán lợi ích kinh tế ở đây”.

Ông Hoàng Đình Phúc, một bậc cao niên của phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) cho biết thêm: “Giá thịt trâu Đồ Sơn tăng cao kể từ khi có lễ hội chọi trâu. Năm 2014, 2015 thịt trâu chọi đoạt giải nhất có giá 5–6 triệu/kg mà không đủ đáp ứng phục vụ du khách và người dân Đồ Sơn.

Trâu chưa giết mà người xếp hàng đông như kiến cỏ. Những con trâu không được giải cũng mổ thịt luôn và giá khoảng 3 triệu đồng/kg. Tùy vào từng năm và tùy vào mỗi giải “ông trâu” thi đấu giành được mà giá thịt trâu chọi có sự khác biệt. Nhưng tôi thấy giá trâu chọi toàn tiền triệu trong khoảng chục năm trở lại đây”.

Từng bỏ số tiền 5 triệu đồng để mua 2kg thịt mông trâu chọi vòng loại về chế biến, anh Cao Bá Đại, trú tại Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng cho biết anh mua thịt trâu chọi về ăn với suy nghĩ ăn thịt trâu chọi sẽ gặp may mắn cả năm.

“Tôi nghe mọi người nói, trâu tham gia thi đấu ở lễ hội đã được tế lễ, cúng thần nên người được ăn thịt trâu chọi sẽ gặp nhiều may mắn, bình an. Ngoài ra, trâu chọi được tuyển chọn kỹ càng, chế độ ăn uống, tập luyện thi đấu rất khắt khe nên thịt cũng ngon hơn trâu bình thường”, anh Đại chia sẻ.

Theo anh Đại, sau khi mua được thịt trâu chọi, nhiều người đi theo đoàn sẽ mang thịt trâu vào nhà hàng gần đó nhờ chế biến và ăn luôn. Tuy nhiên, một số người khác sẽ mang về nhà, chế biến và thắp hương tổ tiên rồi cùng cả nhà thưởng thức.

“Thịt trâu có thể chế biến được nhiều món như xào rau muống, xào khế, xào cần tây hoặc nấu lá lồm, nhúng mẻ. Giá cả không quan trọng, quan trọng là bản thân mình thấy vui và tin vào sự may mắn, bình an trong tương lai khi được thưởng thức món ăn đó”, anh Đại cho hay.

Minh Hoa (t/h)