Đời sống

Loại quả xưa chín rụng bạt ngàn nay thành đặc sản giá 200.000 đồng/kg

Loại quả này lúc xanh hay lúc chín đều có thể ăn được. Quả xanh có vị chua dùng để làm các món kho còn quả chín dùng để ăn như một loại hoa quả.

Quả chay gắn liền với thế hệ 7X, 8X ở các miền quê Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Bắc Bộ. Xưa kia, hầu như nhà nào cũng trồng 1-2 cây chay trong nhà, vỏ chay cho người già ăn trầu, còn quả chay để nấu canh chua, kho cá, kho thịt.

Đám trẻ con cũng thường hái trái chay xanh chấm với muối như một thức quà vặt trong những buổi trưa hè.

Những năm gần gây, quả chay bỗng "gây sốt" trên chợ mạng và các chợ truyền thống. Nhiều người bất ngờ khi thứ quả quê từng chín rụng đầy gốc nay lại thành đặc sản lạ với người dân thành phố. Vì tò mò hương vị của quả chay, nhiều người đã đặt mua về thưởng thức.

Theo các tiểu thương, quả chay khi chín thì chuyển sang màu vàng, bên trong ruột màu hồng trông rất bắt mắt. Người tiêu dùng thường dùng quả chay để chế biến một số món canh chua, hay làm các món kho... Quả chay sạch 100%, không có thuốc bảo quản nên tuyệt đối an toàn. Quả chay có thể dùng được cả xanh và chín, giá quả xanh khoảng 30.000 – 50.000 đồng, tùy tiểu thương bán, quả chín đắt hơn một chút. Với những khách lấy tầm 5kg được các tiểu thương bán với giá buôn, chay xanh chỉ có giá 100.000 đồng, chay chín là 150.000 đồng.

Quả chay khô được bán trên sàn thương mại điện tử.

Một tiểu thương chia sẻ, vì chay chỉ có trong mùa hè và thường khó bảo quản được lâu nên nhiều người mua về rồi thường cắt lát mỏng, đem phơi khô hoặc sấy khô dùng dần. Trên mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử, quả chay khô được bán khá nhiều. Giá bán chay khô trung bình 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Chị Minh (ở Cổ Nhuế, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối tháng 7 và tháng 8 dương lịch, khi nắng nóng mùa hè lên cao điểm cũng là lúc trái chay vào mùa. Quả chay chín có màu vàng cam, bên trong ruột có màu hồng và nhiều hạt. Người nhà của tôi ở Phú Thọ thu hái loại quả này ở đồi và rừng rồi gửi xuống Hà Nội. Chiều nào hái chay xong, bố mẹ lại gom hết vào rồi gửi xe xuống khoảng 40-50kg. Tôi bán ngày nào hết ngày đó, không có chay tồn vì đăng lên facebook, các chị em vào hỏi mua rất nhiều. Ai cũng đặt khoảng 3-5kg ăn tươi hoặc để dành nấu canh".

Chị Minh cho biết quả chay sạch 100%, không có thuốc bảo quản bởi cây cao vút hay mọc trên rừng và đồi. Vì là chay nhà trồng được nên chị bán giá “mềm” hơn so với thị trường, lại miễn phí vận chuyển tại Hà Nội. Chị nói thêm, quả chay rất thích hợp để làm món ăn vặt, ngoài bắt mắt bởi màu sắc bên ngoài, chay còn có lớp thịt mềm khá dày, vị ngọt pha lẫn chua nhẹ rất đặc biệt.

Anh Thanh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho biết năm nào đến mùa anh cũng đặt vài kg quả chay về ăn: "Ngày nhỏ mình ở Yên Bái cũng hay ăn quả chay. Nhà mình hay dùng chay xanh để nấu canh chua, chay chín để ăn trực tiếp. Chẳng hạn như canh cá, người ở Hà Nội thường nấu với sấu, quả dọc hay khế. Nhưng nếu nấu canh cá bằng quả chay sẽ có vị chua rất lạ miệng và ngon. Tôi còn mua cả chay khô để trong tủ mát ăn dần quanh năm".

Theo anh Thanh, quả chay có mùi rất thơm, vỏ ngoài lại mượt như nhung nên cầm trên tay mềm mại, rất thích.

Được biết, quả chay trong Đông y còn được coi là một vị thuốc quý. Trong quả chay có chứa nhiều chất như axit amin, men béo, men phân giải… nên có tác dụng tốt trong hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, nhuận tràng và kích thích ăn ngon.

Ngoài cây chay Bắc Bộ nói trên, còn có một loài cây chay khác (Artocarpus lakoocha Roxb.), cùng họ dâu tằm (Moraceae), mọc ở Lào Cai, Thanh Hóa, Tp. Hồ Chí Minh (Thảo cẩm viên). Quả chứa các hợp chất polyphenol. Vỏ thân chứa lupeol, β - amyrin. Ở nước ngoài, dùng hạt cây chay này làm thuốc xổ, hoặc thuốc trị giun kim, giun đũa. Vỏ thân cây làm bột đắp vết thương để hút mủ, hoặc đắp trị mụn nhọt, lở ngứa.

Minh Hoa (t/h)