Đời sống

Loại lá ở Việt Nam rụng đầy vườn, sang nước ngoài giá đắt không tưởng

Những chiếc lá này xưa kia không ai nhặt, bây giờ lại có thể bán kiếm tiền, giúp nhiều người cải thiện cuộc sống.

Tre là loại cây khá quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Người ta thường dùng thân tre để làm nhà, đan lát hoặc lấy măng chế biến thực phẩm. Nước của cây tre còn là vị thuốc quý được nhân dân ta ứng dụng chữa nhiều chứng bệnh khác nhau. Còn lá tre thì thường bị bỏ đi.

Tuy nhiên, ít người biết các loại tre có lá to bản lại được bán với giá đắt đỏ để làm bánh, gói thực phẩm.

Theo VietNamNet, loại lá tre được thu mua để xuất khẩu là tre bát độ (hay còn gọi là bương). Tre bát độ rất khác với lá tre thường. Chúng có kích cỡ to hơn hẳn.

Tre bát độ là loại cây mọc hoang, xuất hiện rất nhiều ở vùng cao và cả đồng bằng. Hiện ở Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Sóc Sơn - Hà Nội... có rất nhiều người dân trồng tre bát độ để xuất khẩu.

Lá tre khô được rao bán trên chợ mạng.

Lá tre sẽ được người dân thu hái, sau đó bán cho các cơ sở thu mua. Thời gian thu hái lá tre vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11. Trung bình, lá tre tươi được thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Trên chợ mạng và các group bán hàng online, rất nhiều tiểu thương công khai thu mua loại lá tre bát độ với số lượng không giới hạn.

Lá tre được thu mua để xuất khẩu. (Ảnh: Nông Thôn Việt)

Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, việc thu mua lá tre mất nhiều công nhất là kiểm tra và khâu vận chuyển. Lá tre được thu mua cần phải đảm bảo chất lượng, lá phải to, không bị rách, có màu xanh đều chứ không được úa vàng. Mỗi lá tre này thường có chiều dài tầm 40cm, rộng từ 8cm trở lên. Lá càng to, dài và có màu càng đẹp thì giá bán càng cao.

Công đoạn sấy khô lá tre cũng không kém phần quan trọng. Những chiếc lá tre to, được làm sạch bằng phương pháp tự nhiên, không dùng hóa chất rồi cho vào lò sấy khô. Đến khi mở nắp lò kiểm tra, thấy lá đã đạt đến độ khô cần thiết, người ta sẽ chuyển lá ra. Những chiếc lá tre tiếp tục được cặp theo từng dãy và ép thành kiện.

Lá tre Việt Nam được người tiêu dùng nhiều nước ưa chuộng do có mùi thơm đặc trưng và để được lâu. Ảnh: SKĐS.

Lá tre đủ điều kiện xuất khẩu phải lành lặn, không bị hỏng, mốc, giữ được mùi thơm đặc trưng. Hoàn thành các công đoạn, lá tre sẽ được chuyển cho thương lái và xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm. Lá tre Việt Nam được đánh giá chất lượng tốt, được người tiêu dùng nhiều nước ưa chuộng do có mùi thơm đặc trưng và để được lâu.

Thông tin trên Dân Việt, lá tre hiện là mặt hàng nông sản để xuất khẩu thu ngoại tệ. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu lá tre trong tháng 2/2023 đạt 133.000 USD, tăng tới 1149,9% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu lá tre đạt 203.000 USD, tăng 302,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, các loại lá chuối, lá tre, lá chanh ở Việt Nam rất phổ biến, giá bán rất rẻ. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay châu Âu, những loại lá này rất hiếm, giá đắt đỏ mà nhiều khi không mua được.

Hiện giá lá tre tươi xuất khẩu vào khoảng 10.000 đồng/kg, còn lá tre khô có giá 40.000 đồng/kg.

Tại các trang thương mại điện tử ở nước ngoài, lá tre được bán với nhiều mức giá nhưng hầu hết đều cao hơn rất nhiều lần so với giá bán tại Việt Nam. Trên một số trang thương mại điện tử nước ngoài như Alibaba, có thời điểm, lá tre của Việt Nam được bán sỉ với số lượng từ 100kg có giá 3-5 USD/kg (khoảng 73.000-122.000 đồng/kg), tùy số lượng đặt mua. Còn giá bán lẻ từ 7-10 USD/kg, tức lên tới hơn 240.000 đồng/kg.

Công dụng ít biết của lá tre

Lá tre của cây tre thuộc họ cỏ, lớp thực vật một lá mầm. Để làm thuốc người ta thu hái lá tre khi phiến lá chưa mở hết, màu xanh mởn. Dùng tươi hoặc khô với tên thuốc là trúc diệp.

Theo Đông y, lá tre (trúc diệp) có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lành, vào các kinh: tâm phế, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu giảm sốt. Ngoài ra, có thể dùng lá tre cùng với một số lá có tinh dầu, cho mùi thơm, như lá sả, lá hương nhu, bạc hà, khuynh diệp… làm thuốc xông hơi trị cảm mạo.

Ngoài ra, lá tre còn có mặt trong các bài thuốc chữa viêm phế quản cấp tính (Trúc diệp 12g, thạch cao 16g, tang bạch bì 12g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, hoài sơn 12g, lá hẹ 8g. Sắc uống trong ngày); chữa viêm thanh quản, mất tiếng (Trúc diệp 12g, trúc như 12g, tang bạch bì 12g, thổ bối mẫu 10g, thanh bì 8g, cát cánh 8g, nam tính chế 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang).

Lá tre còn có tác dụng chữa viêm bàng quang cấp tính (Trúc diệp 16g, sinh địa 12g, mộc thông 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo 6g, đăng tâm 6g sắc uống trong ngày); chữa sởi ở thời kỳ đang mọc (trúc diệp 20g, sài đất 16g, sắn dây 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống trong ngày); chữa thủy đậu (trúc diệp 8g, liên kiều 8g, cát cánh 4g, đạm đậu sị 4g, bạc hà 2g, sơn chi 2g, cam thảo 2g, hành tằm 2 củ. Sắc uống ngày 1 thang).

Lá tre cũng có tác dụng chữa tăng huyết áp; kiết lỵ kinh niên; cảm sốt, miệng khô khát;...

Minh Hoa (t/h)