Đời sống

Loại lá ở Việt Nam "cho không nhau", bán sang Nhật có giá 500 đồng/lá

Tía tô không chỉ là món rau gia vị dễ chế biến mà còn là cây thuốc Đông y dễ trồng.

Lá tía tô có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Theo Tiền Phong, tía tô là loại cây được trồng rất phổ biến ở Việt Nam. Chúng được xem như loại cây gia vị, bán với giá rất rẻ từ 1- 2 nghìn một bó. Tuy vậy, trước đó, có một công ty tại Bắc Ninh lại có thể trồng cây tía tô và xuất khẩu sang Nhật Bản thu về hàng tỷ đồng/năm.

Cụ thể, lá tía tô ở Nhật ngoài việc bán lá tươi trong siêu thị và chợ, thì nó còn được sấy khô đóng gói, bán trong nước hoặc xuất đi nước ngoài. Một gói lá tía tô sấy như trên được bán giá 16 USD (hơn 350.000 VNĐ).

Người Nhật coi tía tô là 1 trong 7 loại gia vị thiết yếu, rất được coi trọng. Tía tô là nguyên liệu quan trọng nhất của món dưa mận umeboshi (một món dưa muối rất phổ biến trong ẩm thực người Nhật) hoặc được dùng gói xung quanh sushi…

Ăn lá tía tô thường xuyên tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Tía tô là loại rau gia vị quen thuộc của người dân Việt Nam. Không chỉ là món rau mà lá tía tô còn là cây thuốc Đông y rất dễ trồng. Theo nghiên cứu y học hiện đại, nước sắc của cành và lá tía tô có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn ruột kết, trực khuẩn lị, tụ cầu khuẩn; một số nấm gây bệnh ngoài da; tăng cường nhu động dạ dày, ruột.

Trị mất ngủ: Mất ngủ và căng thẳng là căn bệnh phổ biến ngày nay. Kết hợp lá tía tô với các loại thảo dược khác như cúc La Mã (chamomile) hoặc cây nữ lang (valerian) có thể làm giảm 2 triệu chứng trên. Bên cạnh đó, chất chống ôxy hóa trong lá tía tô cũng có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của các gốc tự do gây hại cho tế bào, giúp ngừa bệnh ung thư.

Giải cảm: Lá tía tô tính ấm, vị cay, là vị thuốc dân gian hay dùng để trị cảm mạo. Khi bị sốt, có thể xông lá tía tô (cùng với một số lá xông khác) để giải độc tố và thoát mồ hôi. Cháo tía tô với hành lá (có thể cho thêm trứng gà) cũng là món ăn giải cảm đơn giản mà hiệu quả, giúp hồi phục sức khỏe.

Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa: Uống nước trà lá tía tô giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa và chữa trị các bệnh về đường ruột cũng như dạ dày. Khi dùng chung với lá bạc hà và các loại thảo dược khác, lá tía tô giúp xoa dịu triệu chứng khó tiêu, ợ nóng, đầy hơi, đau bụng...

Làm đẹp da: Với nhiều dưỡng chất và vitamin, lá tía tô có thể giúp làm đẹp da. Ngoài ra, với đặc tính kháng viêm, làm se vết loét, lá tía tô còn có tác dụng chăm sóc da bị nổi mụn. Nhỏ vài giọt tinh dầu lá tía tô vào nước súc miệng cũng có thể giúp giảm sưng nướu và trị hơi thở có mùi.

Lá tía tô có thể được dùng tươi hoặc phơi khô, lá tươi có thể giã lấy nước hoặc chế biến món ăn, lá khô thì dùng để pha trà. Tuy lá tía tô mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng cần lưu ý khi sử dụng loại thảo dược này. Không nên dùng chung lá tía tô với các loại thuốc đặc trị khác vì có thể gây phản ứng thuốc.

Bệnh nhân mắc bệnh tăng nhãn áp cũng không nên dùng vì tinh dầu có trong lá tía tô sẽ gia tăng áp lực lên đôi mắt. Người sắp phẫu thuật hoặc hay bị dị ứng cũng nên cẩn thận vì lá tía tô có thể gây tình trạng hôn mê kéo dài hoặc chóng mặt, nôn mửa. 

Gợi ý những bài thuốc dân gian từ cây tía tô

Bài thuốc tiêu đờm giảm ho: Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, để làm bài thuốc từ dân gian để giảm ho bạn cần tô diệp 15g, gừng khô 3g sắc uống mỗi ngày. Nước sắc đem chia thành 2 lần uống.

Bài thuốc chữa cảm lạnh: Tô diệp (lá tía tô khô) 8g, trần bì 6g, hương phụ 8g, cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát, sắc uống.

Bài thuốc chữa hen suyễn, ho nhiều đờm: Hạt tía tô, hạt cải thìa , hạt củ cải, liều lượng bằng nhau, tán bột, trộn đều. Ngày uống 9g, chia 3 lần

Bài thuốc chữa dị ứng mẩn ngứa: Lá tía tô tươi, giã nát, xát vào chỗ bị bệnh hoặc dùng nước sắc từ cây tía tô đem rửa bên ngoài.

Bài thuốc làm đẹp da: Vò nát lá tía tô hòa vào nước tắm

Bài thuốc chữa tiêu chảy, miệng nôn trôn tháo: Lấy lá tô tử cho vào nồi đun, sau đó bỏ bã và nấu đặc thành cao. Đậu đỏ rang vàng, tán bột mịn rồi trộn với thuốc cao tía tô hoàn viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi lần dùng 50 viên, chia 2 lần

Một số lưu ý khi sử dụng nước lá tía tô tươi:

Nước lá tía tô tươi nên sử dụng trong 24 giờ để đảm bảo chất lượng, mùi vị.

Không nên đun sôi nước tía tô tươi quá 15 phút. Vì các tinh dầu trong lá, cành cây sẽ bị bốc hơi. Từ đó làm giảm hiệu quả đối với người sử dụng.

Người bị cảm nóng không nên sử dụng nước lá tía tô.

Uống quá nhiều nước tía tô trong một thời gian dài có thể gây chướng bụng, khó tiêu hoặc ảnh hưởng đến huyết áp.

Trúc Chi (t/h)