Đời sống

Loại hạt được coi là "thần dược" tốt cho cơ thể vào mùa hè

Không chỉ có nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa, đậu đen còn có rất nhiều công dụng tuyệt vời cho cơ thể.

Giúp xương khoẻ mạnh: Canxi và phốt pho là hai khoáng chất rất quan trọng trong việc hình thành nên cấu trúc xương; trong khi sắt và kẽm lại đóng vai trò duy trì sức mạnh và độ đàn hồi cho xương khớp. Điều thú vị là mọi thành phần vừa nêu đều có mặt trong đậu đen. Do vậy, nếu muốn phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp và giữ cho xương chắc khỏe, bạn nên duy trì thói quen dùng nước đậu đen rang, theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Giúp hạ huyết áp: Duy trì lượng natri thấp là điều cần thiết để giữ huyết áp ở mức bình thường. Và đậu đen xanh lòng là ứng cử viên sáng giá cho tiêu chí này. Loại thực phẩm này có hàm lượng natri thấp và chứa kali, canxi và magiê, giúp giảm huyết áp một cách tự nhiên.

Bảo vệ sức khỏe tim mạch: Đậu đen còn có tính kháng viêm và chứa thành phần vitamin nhóm B phức hợp cao, giúp cho mạch máu được tăng thêm sức khỏe, làm giảm lượng cholesterol xấu và triglyceride trong cơ thể, hỗ trợ cho những người đang mắc bệnh tim được khỏe mạnh hơn.

Hỗ trợ tiêu hoá: Do có hàm lượng chất xơ nên đậu đen giúp thực phẩm di chuyển dễ dàng hơn thông qua quá trình tiêu hóa, giảm các vấn đề về tiêu hóa như ợ nóng, táo bón…

Hỗ trợ giảm cân: Đậu đen giàu chất xơ nên làm tăng cảm giác no sau khi ăn và giảm cảm giác thèm ăn, khiến bạn no lâu hơn, do đó làm giảm lượng calo tổng thể. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ từng chỉ ra rằng việc tăng tiêu thụ thực phẩm thực vật như đậu đen làm giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim.

Trong những ngày hè nóng bức có thể dùng nước đậu đen uống giải nhiệt rất tốt (Ảnh minh họa)

Làm đẹp da: Đậu đen có 10 loại axit amin thiết yếu có trong đậu đen đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản sinh collagen. Do đó, uống nước đậu đen có thể giúp bạn duy trì làn da mịn màng, ngăn ngừa lão hóa.

Những ai không được uống nước đỗ đen:

Về y học cổ truyền, lương y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, cho hay đậu đen trong Đông y là vị thuốc có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ thận âm, bổ gan, thanh nhiệt giải độc lợi tiểu.

Trong dân ian đậu đen được dùng để chữa một số chứng phong nhiệt nhức đầu, sốt nóng, sợ gió do thận gan yếu: Đau lưng, mỏi gối, bí đái, mụn nhọt, nở ngứa... Đậu đen còn được dùng nấu nước tẩm chế một số vị thuốc khác.

Người lớn trẻ nhỏ thường xuyên bị táo bón nên dùng nước đậu đen có tác dụng bổ gan thận. Người huyết áp cao suy nhược cơ thể dùng đậu đen cũng sẽ rất tốt. Người bị nóng trong phá nhiệt ra ngoài nên dùng đậu đen.

“Trong những ngày hè nóng bức có thể dùng nước đậu đen uống giải nhiệt rất tốt. Đi nắng về đang khát ra mồ hôi dùng nước đậu đen uống để hạ nhiệt dương có tác dụng giảm nhiệt cơ thể, giải cảm nắng. Đậu đen là loại hạt lành tính tuy nhiên không nên lạm dụng dùng đặc biệt là uống thay nước”, lương y Bùi Hồng Minh nói.

Cũng theo vị lương y này không phải ai cũng có thể dùng được nước đậu đen để giải nhiệt trong những ngày hè. Người mắc bệnh viêm đại tràng, người tùy vị hư người đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Trong trường hợp muốn dùng thì nên rang hạt đậu đen để ôn ấm vị và dùng với số lượng ít, thưởng thức là chính.

“Trẻ nhỏ thường xuyên bị đái dầm do bàng quang hàn không nên cho trẻ uống nước đậu đen. Nếu uống nhiều sẽ làm cho trẻ đi tiểu nhiều hơn. Trẻ nhỏ thường xuyên đi phân lỏng, tiêu hóa kém tuyệt đối không dùng nước đậu đen”, lương y Bùi Hồng Minh nói.

Cách làm đậu đen rang nấu nước uống

Bước 1: Nhặt bỏ các hạt bị hỏng, sâu, lép, rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, cho đậu lên chảo rang kỹ đến khi có màu vàng, ngửi thấy mùi thơm thì hạ thổ, để nguội. Bạn có thể cho vào hộp kín để dùng dần.

Bước 2: Mỗi khi dùng, lấy một dúm nhỏ đậu đen đã rang cho vào ấm và đun sôi khoảng 10 phút. Sau thời gian này, bắc ấm xuống bếp nhưng vẫn không mở vung để ủ đậu. Đợi một lúc thì rót nước ra cốc và uống như uống trà. Chị em cũng có thể cho đường hoặc muối để uống tùy khẩu vị.

Chú ý không nên ngâm đậu quá lâu trong nước vì đậu sẽ nhừ và lên men, sẽ dẫn tới khó uống và giảm tác dụng.

Hồng Anh (T/h Lao Động, Zing)