Đời sống

Loại hạt đắt đỏ cả thế giới yêu thích, ở Việt Nam trồng bạt ngàn

Chỉ mới được du nhập vào Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng loại cây này được xem là "cây tỷ USD" vì giá trị mà nó mang lại.

Hạt mắc ca là một trong những loại hạt đắt đỏ bậc nhất thế giới. Một túi khoảng một pound (0,45 kg) có thể có giá khoảng 30 USD (hơn 700.000 VND), gần gấp đôi so với các loại hạt khác như hạnh nhân, và chúng đã liên tục tăng giá trong nhiều năm qua.

Với hương vị béo ngậy đặc trưng, hạt mắc ca là một trong những món ăn phổ biến và thời thượng ở nhiều nước từ châu Á tới châu Mỹ.

Thứ làm nên tên tuổi của hạt mắc ca trước hết phải kể đến giá trị dinh dưỡng, mà đặc biệt là hàm lượng chất béo có lợi mà nó sở hữu. Theo các nghiên cứu, trong 1 hạt mắc ca có chứa đến 22 gam chất béo, hầu hết là chất béo bão hòa đơn (MUFA) và hoàn toàn không có Cholesterol.

Con số này cao hơn bất kỳ loại hạt dinh dưỡng nào trên thị trường. Khi vào cơ thể, MUFA sẽ giúp làm giảm nồng độ Cholesterol,tăng cường sức khỏe tim mạch. Chính nhờ hàm lượng chất béo và đường thấp làm cho hạt mắc ca trở thành món ăn lý tưởng cho các chế độ ăn uống và giảm cân lành mạnh, bao gồm chế độ ăn Keto nổi tiếng thế giới. Bên cạnh chất béo, mắc ca còn sở hữu hàng loạt các thành phần có lợi khác như: vitamin A, sắt, đồng, canxi, kẽm, carbonhydrate, chất chống lão hóa…

Đương nhiên, giá trị dinh dưỡng cùng thị hiếu của người tiêu dùng là yếu tố đẩy giá lên cao, nhưng nguyên nhân chính lại đến từ sự kỳ công trong việc trồng trọt và thu hoạch loại hạt này.

Cây mắc ca có nguồn gốc ở vùng đông bắc Australia và các loại hạt đã được thổ dân Australia tiêu thụ từ nhiều thập kỷ trước. Những người thổ dân gọi loài cây này là "Kindal", nhưng sau đó người Anh đã đổi tên chúng thành macadamia (mắc ca). Mặc dù có nguồn gốc từ Úc, cây mắc ca được trồng với mục đích thương mại đầu tiên ở Hawaii (Mỹ).

Hawaii sở hữu môi trường khí hậu hoàn hảo để sản xuất hạt mắc ca do loài cây này cần nhiều mưa, đất đai giàu dinh dưỡng và thời tiết ấm áp để phát triển mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc những nước không sở hữu các điều kiện kể trên (đặc biệt là các nước xứ lạnh) sẽ không thể trồng được cây mắc ca và phải nhập khẩu.

Trên thế giới có khoảng 10 giống cây mắc ca. Tuy nhiên, chỉ 2 trong số đó là cho ra loại hạt mắc ca chất lượng, được sử dụng phổ biến trên thị trường. Mỗi cây mắc ca cần 7 đến 10 năm tuổi mới bắt đầu có thể cho hạt. Thêm và đó, quá trình ra hoa còn kéo dài 4-6 tháng và quả mắc ca cũng không chín đồng loạt và phải thu hoạch làm nhiều đợt trong năm.

Khi đã đạt độ chín cần thiết, hạt mắc ca gần như được thu hoạch hoàn toàn bằng tay, mà không có sự hỗ trợ của máy móc. Lớp vỏ dày của chúng thường được loại bỏ trước khi bán, khiến người trồng cây rất khó xác định được hạt đã chín hay chưa. Do đó, quá trình thu hoạch tốn nhiều công sức, nhiều quả chưa chín bị loại bỏ trong quá trình sản xuất khiến chi phí càng tốn kém hơn.

Một số lợi ích của hạt mắc ca

-Tốt cho tim mạch

Hạt mắc ca chứa chất béo lành mạnh rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Hàm lượng chất béo không bão hòa có trong hạt mắc ca có thể giảm cholesterol xấu và triglyceride, giúp mạch máu thông suốt. Tiêu thụ hạt mắc ca hợp lý rất hữu hiệu trong việc ngăn ngừa và cải thiện các bệnh lý liên quan đến tim mạch.

-Giàu chất chống oxy hóa

Hạt mắc ca chứa flavonoid giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào. Đồng thời flavonoid còn hoạt động như chất chống oxy hóa, giúp chống lại tác hại của các gốc tự do, ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, các axit phenolic, flavonoid và stilbenes còn có khả năng cung cấp chất chống oxy hóa hữu ích để phòng chống các bệnh ung thư.

-Hỗ trợ giảm cân

Chất béo không bão hòa được tìm thấy trong hạt mắc ca có thể hạn chế cảm giác thèm ăn, tạo cảm giác no cho cơ thể. Không chỉ vậy, hạt mắc ca còn chứa axit palmitoleic giúp tăng cường đốt cháy chất béo, cải thiện tình trạng tăng cân. Ngoài ra, hạt mắc ca còn giàu chất xơ, tạo cảm giác no và ổn định lượng đường trong máu, rất tốt cho quá trình giảm cân.

-Cải thiện hệ tiêu hóa

Hàm lượng chất xơ hòa tan và không hòa tan trong hạt mắc ca vừa có thể loại bỏ độc tố khỏi cơ thể vừa giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đồng thời hạt mắc ca còn là thực phẩm giàu đồng và sắt có thể hỗ trợ các phản ứng enzym có lợi cho đường ruột. Ngoài ra, chất xơ có trong hạt mắc ca còn có khả năng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.

-Giúp xương chắc khỏe

Hạt mắc ca rất giàu phốt pho, mangan và magie, rất tốt cho quá trình khoáng hóa xương và răng. Bên cạnh đó, lượng mangan trong mắc ca còn giúp cơ thể lắng đọng mô xương mới, giúp xương chắc khỏe. Ngoài ra, hàm lượng magie có trong mắc ca còn có thể bài tiết một số hormone ảnh hưởng đến sự hình thành xương, ngăn ngừa tình trạng loãng xương ở người già.

-Cải thiện chức năng não bộ

Đồng, thiamine, magie và mangan trong hạt mắc ca là thành phần quan trọng, hỗ trợ sản xuất chất dẫn truyền thần kinh. Hạt mắc ca cũng chứa nhiều axit oleic và axit palmitoleic góp phần cải thiện chức năng não bộ. Ngoài ra, mắc ca có chứa axit béo omega-9, một loại axit béo giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường trí nhớ và ngăn ngừa các bệnh thần kinh và bệnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi.

 

Minh Hoa (t/h)