Đời sống

Loại cây nghe tên đã thấy "mùi tiền", trồng một sào hốt tiền triệu

Loại cây này phát triển nhanh chóng, dễ trồng và sớm cho thu hoạch.

Cây đô la thuộc họ bạch đàn, có nguồn gốc từ Australia, mới được di thực về trồng tại Tp.Đà Lạt, Lâm Đồng vài năm nay. Dáng lá cây hơi tròn hoặc có hình trái tim, màu xanh bạc, mọc đối xứng và có hương tinh dầu dễ chịu.

Những cây có dáng đẹp được cho vào chậu làm cây cảnh, còn đa số cắt cành bán làm phụ liệu cắm hoa.

Loài cây này khá đẹp, được thu mua với giá cao nên người Đà Lạt gọi là cây đô la, thay cho cái tên gốc Pulverulenta baby blue. Không chỉ đẹp mắt, cây đô la còn là biểu tượng của may mắn, tài lộc. Vì vậy loài cây này được rất nhiều người yêu thích.

Cây đô la dễ trồng và nếu được chăm sóc tốt, nhà vườn có thể khai thác cành trong nhiều năm.Ảnh: Minh Hậu/Nông Nghiệp Việt Nam.

Những năm gần đây, nông dân vùng đồi núi xã Tà Nung (Tp.Đà Lạt, Lâm Đồng) tập trung phát triển cây đô la để lấy cành bán cho các đại lý kinh doanh hoa hoặc các doanh nghiệp chuyên kinh doanh cây cảnh ở Đà Lạt và Tp.HCM.

Trên khu vườn rộng 3.000m2, bà Nguyễn Thị Bình (xã Tà Nung) đã chặt bỏ toàn bộ lứa cà phê già cỗi, kém hiệu quả để chuyển qua trồng cây đô la.

Nữ nông dân chia sẻ, mùa mưa năm 2019, sau khi chặt bỏ cà phê, gia đình đang loay hoay tìm giống cây phù hợp để phát triển kinh tế thì được người cháu gái chuyên kinh doanh hoa, cây cảnh gợi ý trồng cây đô la.

“Lúc đấy, gia đình chỉ trồng thử nghiệm một ít ở góc vườn. Đến khi cây lớn, được chủ các đại lý hoa đến tận vườn thu mua thì tôi mới mạnh dạn mở rộng thêm”, bà Bình chia sẻ với Nông Nghiệp Việt Nam.

Cây đô la được trồng theo hàng với khoảng cách 1,5x1,5m nên phát triển mạnh. “Cây nào cũng cao trên 2m, cành con mọc rậm rạp, che kín cả lối đi”, bà Bình thổ lộ.

Cây đô la phát triển nhanh, từ khi đặt cây giống đến lúc thu hoạch là khoảng 6-8 tháng. Cành cây dài 40-60cm, lá già cứng là có thể cắt để bán.

Cành đô la của nông dân Đà Lạt được các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh hoa tươi ở Đà Lạt và Tp.HCM thu mua với giá trên dưới 100.000 đồng/kg. Thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, giá cành đô la lên đến 170.000 đồng/kg.

Ông Phạm Văn Kim (chồng bà Bình) chia sẻ: “Cành cây đẹp, có mùi thơm dịu nhẹ như mùi dầu bạch đàn nên được dùng để cắm cùng các loại hoa khác. Đợt cành vừa rồi, gia đình thu về trên 20 triệu đồng”, ông Kim thổ lộ và cho biết thêm người dân ở xã Tà Nung biết cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều gia đình mua giống về trồng.

Cũng có thu nhập khá nhờ cây đô la, anh Cil Ha Phước (xã Tà Nung) kể với Tiền Phong, vào năm 2019, sau khi chặt bỏ 1 sào (1.000m2) cà phê già cỗi, đang chưa biết trồng cây gì thì được người quen giới thiệu loại cây mới, chưa từng xuất hiện ở Tà Nung. Người này cho biết cây đô la rất được giá, hút hàng; nhiều doanh nghiệp, cửa hàng muốn hợp tác với nông dân để sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Anh liền trồng thử cây đô la trên diện tích đất này.

Anh Ha Phước bên vườn cây đô la. Ảnh: Tiền Phong

Theo lời anh Ha Phước, cây đô la thường được nhân giống từ hạt, nếu bón phân, chăm sóc tốt và nước tưới đầy đủ thì chỉ khoảng nửa năm là cao hơn đầu người, có thể cho thu hoạch. Với 1 sào đô la, có thể thu hoạch đều đặn 4-5 triệu đồng/tháng.

Anh Liêng Hot K’The (trú thôn 4) cũng phấn khởi cho biết: Với cây đô la, vốn đầu tư không nhiều, kỹ thuật trồng khá đơn giản. Cây đô la ít bị sâu bệnh vì mùi hương tinh dầu của loài cây thuộc họ bạch đàn này có tác dụng xua đuổi côn trùng. Khi cây khoảng 5m, người trồng sẽ bấm ngọn để cây không phát triển thêm về chiều cao mà tập trung dinh dưỡng nuôi cành và lá. Giá bán cành đô la khá ổn định, nhiều lúc các thương lái vào tận vườn cắt cành, cân ký rồi trả tiền tại chỗ, do đó nhà nông không phải mất công thu hoạch, đóng gói, vận chuyển.

Mặc dù là loài cây mới nhưng hiệu quả kinh tế khá cao nên năm 2022 anh Ha Phước đã mở rộng diện tích vườn cây đô la từ 1 sào lên hơn 3 sào. Ngoài việc cắt bán cành đô la trong vườn mình, anh còn kết nối bao tiêu sản phẩm cho các nông hộ ở Tà Nung và xã lân cận là Mê Linh (huyện Lâm Hà). Thấy Ha Phước, K’The làm ăn hiệu quả, hàng chục hộ ở Tà Nung và khu vực lân cận đã mạnh dạn chặt bỏ cà phê già cỗi để trồng cây đô la hoặc trồng xen cây đô la vào vườn bơ, xoài, cà phê…

Minh Hoa (t/h)