Đời sống

Loại cây dại nhỏ xíu, "đẹp lạ" người dân tìm về bán thu 1 triệu/ngày

Có một loại cây mọc dại, trước ít ai để ý nay một số người lấy về bán với giá khá đắt đỏ.

Rêu là loài thực vật trên cạn xuất hiện đầu tiên trên trái đất và có mặt khắp các lục địa, quốc gia. Những cây rêu này mọc ở các vùng ẩm ướt, mọc rất nhiều tại các vách đá hay khu vực tường, vườn ẩm ướt.

Anh Đinh Hiệp ở Huế cũng đi khai thác rêu ở trong rừng về bán. “Tôi khai thác ngoài tự nhiên, sau đó đem một vài mảng về tự nuôi trồng tại nhà. Rêu thì cũng có nhiều loại, có loại rất dễ lên và phát triển nhanh, có loại cả năm mới phát triển một chút. Cũng vì thế, giá rêu cũng chênh lệch tùy thuộc vào độ hiếm của từng loại”, anh chia với Nông Thôn Việt.

Ngày nay, rêu được nhiều người yêu thích trang trí cây cảnh.

Theo anh Hiệp, hiện tại, anh chỉ bán rêu Cushion, giá bán là 50.000 đồng/kg. Đây là loại rêu thảm tươi, người mua có thể đem về trồng để trang trí ở các chậu cảnh. Còn một loại rêu Cushion – rêu bảo tồn, đã quả xử lý sấy lạnh thì giá bán gấp 5-6 lần. Loại này được anh chia thành từng hộp, tùy kích thước mà giá bán dao động từ 80.000 – 350.000 đồng/hộp.

Thời gian qua sở dĩ rêu có giá đắt đỏ hơn vì anh cho biết khâu xử lý cũng mất nhiều thời gian nên giá cao hơn rêu tươi. Anh thường sử dụng phương pháp sấy lạnh để rêu giữ màu được tốt hơn, còn loại sấy nóng anh không làm vì nó sẽ làm rêu mất màu nhanh hơn và rêu cũng khô hơn.

Đặc biệt, rêu bảo tồn thường được mọi người hay dùng làm tranh, tiểu cảnh khô với Terrarium. Các sản phẩm này vẫn còn mới, lạ ở nước ta nên số lượng rêu bảo tồn bán ra chưa nhiều.

Anh Hiệp nhấn mạnh thêm, khách hàng của anh cũng khá nhiều, có những thời điểm “cháy” hàng vì có khách hàng muốn đặt để làm công trình. Còn thông thường, anh vẫn đủ hàng để bán cho khách. Trung bình mỗi ngày, anh cũng thu về từ 500.000 – 1 triệu đồng từ bán rêu.

“Tôi nhận thấy số lượng rêu tự nhiên ở nước ta không còn nhiều nên tôi luôn mong muốn mọi người khai thác ít lại và nuôi, trồng nhiều hơn để có số lượng bán ra, cung cấp cho thị trường”, anh chia sẻ.

Rêu tươi rêu sấy lạnh cũng được nhiều người yêu thích.

Tương tự, chị Chanh ở Hòa Bình cũng bán rêu tươi, cho biết chị thường gom đơn khách hàng đặt mới đi kiếm về bán. “Khách thì mua cũng tùy thời điểm, có ngày thì bán được cả chục cân rêu nhưng cũng có ngày chỉ bán được vài cân”, chị nói.

Để rêu bán cho khách hàng luôn tươi, chị Chanh cũng đóng hộp bán giá từ vài chục nghìn đồng/hộp. Theo chị, rêu tươi này chị khai thác về là bán luôn cho khách, chị thường đi lấy đủ về bán, không lấy dư. Chị được biết khách hàng đều mua về để trang trí trên chậu cảnh cho đẹp hơn.

Doanh thu từ việc bán rêu khá ổn nên nếu khách muốn đặt số lượng lớn thì cần phải báo trước để chị có thời gian và sắp xếp người đi lấy rêu.

Rêu có tác dụng gì?

Rêu phát triển khắp nơi, tạo thành cụm, thảm, mảng bám ở những nơi ẩm, có bóng râm. Rêu cung cấp dưỡng khí nhiều hơn tất cả các cây trên trái đất. Cùng diện tích, hiệu quả cung cấp oxy của rêu cao gấp 80 lần. Rêu có giới hạn tiếp xúc với ánh sáng (quang hợp) rộng hơn bất kỳ loài thực vật nào, từ trong hang động có ánh sáng yếu ớt tới các đỉnh núi cao hoặc sa mạc. Rêu hiện nay được xếp trong ngành Bryophyta. Đặc biệt, trên thế giới có hơn 12.500 loài rêu khác nhau đã được công nhận trên thế giới.

Rêu đã được sử dụng rất sớm trong các nền văn minh trên thế giới từ hàng ngàn năm qua. Nhờ khả năng hấp thụ tốt những chất độc hại và thấm nước tốt, rêu được dùng làm thành phần chính của than bùn, than làm từ rêu được sử dụng như một chất lọc hiệu quả, dùng xử lý nước thải chứa nhiều kim loại nặng hay xử lý các sự cố tràn dầu, điển hình là nhóm Rêu Sphagnum. Rêu còn được sử dụng như một nguồn nhiên liệu sản xuất các khí đốt như hydro, etylen, methanol, khí gas thiên nhiên...

Ở những nơi cây thân gỗ hiếm hoi, rêu được ứng dụng cả trong xây dựng, tạo ra các sản phẩm gia dụng như chiếu, tấm cách điện, nệm, làm chất bảo quản thực phẩm, diệt công trùng…

Ngoài ra, rêu cũng được sử dụng để trang trí các vườn hoa, cây cảnh… Thi thoảng, bạn cũng có thể thể thấy những cọng tơ mọc lên từ đỉnh của thân rêu, phần đầu cọng phù to lên. Đó chính là phần làm nhiệm vụ sinh sản của rêu, một cấu trúc khác biệt, đặc trưng nhất để phân biệt rêu với các nhóm thực vật khác. Tùy những loài khác nhau mà phần này có hình dạng, màu sắc khác nhau tạo nên những nét đẹp riêng chỉ có ở nhóm rêu.

Mặc dù có kích thước nhỏ bé, rêu cũng có những vẻ đẹp riêng, không kém phần rực rỡ, chúng có những nét đẹp và những đặc điểm rất kỳ thú. Trong lĩnh vực cây cảnh, rêu ngày càng được ứng dụng nhiều hơn...

Trúc Chi (t/h)