Đời sống

Loài cá đặc biệt sống "thọ" tới 200 tuổi

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ phát hiện cá quân có thể sống tới 200 năm nhờ sở hữu nhiều gene giúp kéo dài tuổi thọ.

Để tìm hiểu cơ chế di truyền của lão hóa khiến các loài cá có tuổi thọ khác nhau, một nhóm nhà sinh vật học ở Đại học California (UC), Berkeley đã lựa chọn cá quân để nghiên cứu.

Phân bố ở vùng biển ven bờ từ California, Mỹ tới Nhật Bản, cá quân là một họ cá sặc sỡ gồm hơn 120 loài trong chi Sebastes. Một số loài trong số đó chỉ sống 10 năm trong khi những loài khác như cá quân rougheye có thể sống tới hơn 200 năm.

Cá Rougheye là một trong những loài cá sống lâu nhất trên Trái đất.

Cá Rougheye có tên khoa học là Sebastes aleutianus. Đây là một trong những loài cá sống lâu nhất trên Trái đất. Phải mất hàng chục năm để một con cá Rougheye con trưởng thành do chúng phát triển rất chậm. Vòng đời của cá Rougheye có thể kéo dài 200 năm. Cá thể cá Rougheye sống lâu nhất từng được ghi nhận là 205 năm. Theo các nhà khoa học, tuổi thọ đa dạng của cá quân cung cấp thông số hoàn hảo để phân tích cơ chế di truyền.

Trong nghiên cứu công bố hôm 11/11 trên tạp chí Science, nhà sinh vật học Peter Sudmant ở UC Berkeley và cộng sự kiểm tra hệ gene của 88 loài cá quân và xác định 137 gene giúp tăng cường tuổi thọ.

Cá mập Greenland có thể sống tối thiểu 272 năm và tối đa lên tới... 500 năm.

Kích thước và môi trường sống là những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của cá. Các chuyên gia phát hiện loài vật lớn hơn thường có lợi thế giúp kéo dài tuổi thọ bởi chúng trao đổi chất chậm hơn và ít bị động vật ăn thịt đe dọa hơn. Tương tự, môi trường lạnh có thể làm chậm trao đổi chất ở động vật. Ví dụ, cá mập Greenland sống ở độ sâu 4.000m, nơi nhiệt độ rất lạnh khiến cho quá trình trao đổi chất tổng thể diễn ra cực kỳ chậm. Do đó, tốc độ tăng trưởng của loài vật này cũng bị chậm và phải mất khoảng 1 năm chúng mới dài thêm 1cm. Không chỉ vậy, cá mập cái Greenland được cho là đạt độ "chín muồi" về mặt giao phối khi cơ thể dài hơn 4 m, tức chúng bắt đầu sinh con đẻ cái ở... độ tuổi 156.

Bằng cách so sánh hệ gene của cá quân có tuổi thọ ngắn và dài, nhóm nghiên cứu có thể nhận biết những gene giúp chúng sống lâu. Chẳng hạn, cá quân sống lâu năm có nhiều gene chịu trách nhiệm sửa chữa ADN bị tổn thương. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy các loài sống lâu có gene phụ trách điều tiết insulin. Một nhóm gene khác gọi là butyrophilin, kiểm soát hệ miễn dịch của cá quân. Các gene tương tự có vai trò ức chế viêm nhiễm ở người đang lão hóa.

Theo Sabrina Beyer, nhà sinh thái học chuyên nghiên cứu cá ở Đại học California, Santa Cruz, tuổi thọ dài là điều thiết yếu đối với một số loài cá quân. Chúng có thể mất hàng thập kỷ để đạt đến tuổi sinh sản và rất ít ấu trùng sống sót tới khi trưởng thành nên cá quân cái cần đẻ lượng ấu trùng cực lớn mỗi năm. Đó là nguyên nhân cá quân cần đạt kích thước lớn, sống lâu và đẻ thật nhiều ấu trùng chất lượng cao.

Minh Hoa (t/h)