Đời sống

Loài cá cổ đại đã tồn tại 200 triệu năm chính thức bị tuyệt chủng

Cá tầm thìa Trung Quốc vừa được IUCN tuyên bố tuyệt chủng là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới và có thể dài tới 7m.

Theo National Geographic, cá tầm thìa Trung Quốc là loài cá cổ đại đã tồn tại trên Trái Đất từ cuối kỷ Jura cách đây 200 triệu năm. Loài vật có thể dài tới 7m này đã sống sót qua nhiều biến cố của lịch sử tự nhiên - bao gồm đợt tuyệt chủng lớn đã giết chết khủng long trên Trái Đất.

Tuy nhiên, trong báo cáo của tổ chức chuyên nghiên cứu cá tầm thuộc Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) hôm 21/7 xác nhận cá tầm thìa Trung Quốc, loài vật được trông thấy lần cuối cùng trong tự nhiên năm 2003, đã tuyệt chủng. Báo cáo nhận xét. "Không có khả năng một loại sinh vật lớn như vậy có thể tồn tại mà không bị phát hiện. Do đó, loài sinh vật này giờ đây được đánh giá là đã tuyệt chủng”.

Tiêu bản cá tầm thìa Trung Quốc tại Bảo tàng Thủy sinh vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc tại Vũ Hán. (Ảnh: AP).

Đây là “mất mát đáng trách và không thể vãn hồi”, giáo sư Wei Qiwei, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy sản Trung Quốc đã xác định cá tầm thìa Trung Quốc tuyệt chủng, cũng là người đã đi tìm loài cá này trong hàng chục năm, tuyên bố.

Cá tầm thìa được bảo vệ ở Trung Quốc từ thập niên 1980. Số lượng loài này suy giảm dần sau những năm 1970 do đánh bắt quá mức và môi trường sống phân mảnh. Dự án xây đập Cát Châu Bá được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm số lượng cá tầm thìa Trung Quốc. Một nghiên cứu công bố năm 2019 trên tạp chí Science of the Total Environment kết luận cá tầm thìa Trung Quốc đã tuyệt chủng, nhưng báo cáo mới của IUCN là xác nhận chính thức về sự diệt vong của chúng.

Quốc Tiệp (t/h)