An ninh - Hình sự

Lộ thủ đoạn của Giám đốc công ty “vẽ dự án ma” lừa hàng trăm người

Liên quan đến vụ việc công ty Cổ phần Bất động sản nhà đất Đồng Nai “vẽ” dự án ma để lừa tiền rất nhiều khách hàng, đến thời điểm này Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ vụ việc và kêu gọi các nạn nhân trình báo.

Điểm tên những dự án trên giấy

Công an tỉnh Đồng Nai vừa phát đi một thông báo quan trọng, kêu gọi những người nào là bị hại liên quan đến công ty Cổ phần Bất động sản Nhà đất Đồng Nai (gọi tắt là công ty Nhà đất Đồng Nai) cần nhanh chóng đến cơ quan công an để trình báo vụ việc.

Bắt giám đốc Tùng.

Trước đó, Công an đã bắt giữ Đỗ Sơn Tùng, Giám đốc Công ty này (có trụ sở tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện, Công an tỉnh Đồng Nai xác định, vụ việc này có khoảng 600 khách hàng là nạn nhân của công ty Nhà đất Đồng Nai.

Quá trình điều tra ban đầu, Công an xác định, từ tháng 1/2018 đến tháng 5/2020, Đỗ Sơn Tùng tự "vẽ" ra 4 dự án lấy tên: Green Town, Nice Town, Happy Town 2, Happy Town 3 để lừa bán cho khoảng 600 khách hàng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. 

Để tạo niềm tin cho khách hàng khi mua đất, Tùng đã cam kết trong thời gian ngắn, kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc, sẽ ra văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên rất nhiều khách hàng đã đóng tiền mua đất.

Tuy nhiên, khi đã quá thời hạn cam kết nhưng vẫn chưa được ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng, nhiều khách hàng đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Từ đơn tố cáo của người dân, Công an đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và xác định một số sai phạm của Tùng nên mời lên làm việc. Công an cũng nhanh chóng bắt giữ Tùng và khám xét công ty Nhà đất Đồng Nai.

Quá trình khám xét nơi làm việc của Tùng, Cơ quan Công an đã thu giữ nhiều tài liệu quan trọng, nhằm phục vụ cho công tác điều tra, mở rộng vụ án.

Tuy nhiên, để phục vụ công tác điều tra, xác minh, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai thông báo các khách hàng đã ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công ty Nhà đất Đồng Nai để mua đất tại các dự án nói trên, ai chưa liên hệ với cơ quan CSĐT thì nhanh chóng liên hệ để được giải quyết.

Theo một cán bộ điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, hiện đã có nhiều nạn nhân của Tùng tìm đến cơ quan Công an nhờ can thiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số người do tâm lý e ngại, sợ rắc rối phức tạp,... nên đến nay vẫn chưa đến trình báo, phối hợp hỗ trợ cơ quan chức năng để điều tra.

Do đó, Công an Đồng Nai mong muốn các nạn nhân đồng lòng hỗ trợ, để sớm đưa ra hình thức xử lý hành vi sai phạm của Tùng. Đồng thời, để các bị hại có cơ hội lấy lại được số tiền bị mất oan.

“Quá trình điều tra xác định có rất nhiều nạn nhân đã góp tiền mua đất thuộc dự án của công ty ông Tùng. Nhưng, hiện nay mới có số ít nạn nhân đến trình báo, gửi hồ sơ bằng chứng chứng minh mình đã mua đất của Tùng. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều nạn nhân chưa tìm đến hỗ trợ cơ quan điều tra củng cố hồ sơ phá án”, một cán bộ điều tra chia sẻ.

Tiền đi đâu về đâu?

Hiện, các nạn nhân đều chung một mong muốn, phía công ty của Tùng sớm có trách nhiệm với số tiền người dân đã bỏ ra để đầu tư vào các dự án “bánh vẽ”. Người dân cũng đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi của Tùng để răn đe, vì thời gian qua có quá nhiều sự việc tương tự xảy ra.

Bà N.T.M, 1 khách hàng mua đất của Tùng cho biết, vợ chồng bà gom góp được số tiền gần 1 tỷ đồng, quyết định mua đất dự án của Tùng. Thấy Tùng cũng khá lịch sự, có văn phòng công ty đàng hoàng nên bà M. xuống tiền đầu tư. Sau khi đóng hết tất cả các đợt tiền theo quy định của công ty, bà được nhân viên công ty hứa hẹn sắp có sổ. Nhưng bà chờ mãi vẫn không thấy công ty giao sổ như đã hẹn, nhiều lần đến công ty đòi bà phát hiện bị “lừa”.

Các nạn nhân mong muốn sớm nhận lại được tiền đã mất

“Vợ chồng tôi đều là những người làm công ăn lương, chắt chiu được chút tiền cộng thêm vay mượn bạn bè, muốn kiếm được lô đất đẹp. Thấy công ty Tùng quảng cáo về các dự án khá hấp dẫn, đường đi cũng thuận lợi nên tôi về bàn với chồng mua 1 lô. Ai ngờ tiền đã trả hết nhưng chờ mãi vẫn không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó tôi đến công ty đòi nhiều lần, đều gặp các nạn nhân khác cũng giống mình, mới vỡ lẽ đã mua nhầm “bánh vẽ” không thực tế”, bà M. cho hay.

 

Làm gì để hạn chế rủi ro khi mua dự án bất động sản?

Bàn luận về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Tuấn, đoàn Luật sư Đồng Nai cho biết, hiện nay tình trạng người mua đất mua nhầm đất dự án chỉ có trên giấy xảy ra rất nhiều. Do đó, nhằm hạn chế rủi ro đáng tiếc cho người mua đất nền chúng ta cần căn cứ Điều 194 luật Đất đai, Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 hướng dẫn chi tiết thi hành luật Đất đai; Điều 9 và Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản. 

Trong đó nêu rõ, một dự án muốn đưa ra bán cho khách hàng cần được đáp ứng đủ các yếu tố. Khách hàng khi xem xét dự án đó, nếu thấy thiếu một trong các yếu tố sau thì dự án đó có rủi ro, nếu mua dễ ôm hoạ vào thân.

Thứ nhất, phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án;

Thứ hai, chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải.

Thứ 3, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);

Thứ 4, không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.