Văn hoá

Lo thiếu tài năng nghệ sĩ cải lương, nhọc nhằn từ đào tạo chính quy

Đối với ngành Kịch hát dân tộc, việc tuyển sinh để bảo tồn nghệ thuật truyền thống là thách thức không nhỏ giữa nhà trường và thị trường việc làm.

“Khoảng trống” sinh viên ngành cải lương

Đến năm học 2023 - 2024, sau 4 năm gián đoạn, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp.HCM đã được phép tuyển sinh diễn viên sân khấu kịch hát (diễn viên cải lương) hệ cao đẳng chính quy với 30 chỉ tiêu. Đây thực sự là tín hiệu vui đối với công tác đào tạo nhân lực kế thừa cho sân khấu cải lương vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với Người Đưa Tin, đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp.HCM cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, quy định các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.

Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến các cơ sở đào tạo nghệ thuật cần quá trình đào tạo xuyên suốt từ sơ cấp, trung cấp đến các cấp cao hơn. Trong đó, Khoa Kịch hát dân tộc của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp.HCM (chỉ đào tạo hệ cao đẳng) qua 3 khóa không được tuyển sinh đã để lại lỗ hổng lớn trong công tác đào tạo chính quy nguồn nhân lực cho sân khấu cải lương khu vực phía Nam.

“Trước đó, năm nào nhà trường cũng xây dựng phương án tuyển sinh trình độ cao đẳng diễn viên kịch hát dân tộc và kiên trì đề xuất các cấp thẩm quyền xem xét theo yếu tố đặc thù của ngành học. Năm 2021, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc. Nhưng sau đó, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều kế hoạch tạm đình lại. Đến năm học này, nhà trường đã đủ các điều kiện để tuyển sinh diễn viên cải lương trở lại”, NSƯT Lê Nguyên Đạt thông tin.

Chia sẻ về việc thu hút tuyển sinh sau 4 năm gián đoạn, đại diện Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp.HCM chỉ ra, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển sinh đã nhiều năm nhưng năm nào trường cũng nhận được trên dưới 30 hồ sơ đăng ký học cải lương. Chưa kể, nhu cầu bổ sung nhân lực được đào tạo bài bản cũng tăng cao trong 4 năm qua.

“Các đoàn nghệ thuật đang có nhu cầu trẻ hóa đội ngũ. Tôi đã liên hệ và mời gọi các nơi gửi diễn viên trẻ đi học. Cũng như chủ động tìm nguồn từ các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng… Các bạn đạt giải cao, điển hình như vào Top 9 Chuông vàng vọng cổ sẽ được đặt cách tuyển thẳng vào học. Chọn lọc lại, chỉ cần tuyển được 10-15 học viên là đã thành công”, NSƯT Lê Nguyên Đạt nói.

Các giảng viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp.HCM kỳ vọng “chủ động hỗ trợ tìm “đầu ra” cho các em bằng việc “chào hàng” với các đoàn. Vào dịp thi cuối kỳ sẽ mời lãnh đạo các đoàn lên xem để nhận định khả năng cũng như theo dõi sự phát triển của các em, từ đó có thể tìm kiếm các gương mặt phù hợp bổ sung cho đoàn”.

Đào tạo người ca nhưng thiếu người đàn

NSƯT Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu II (tiền thân Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Tp.HCM) bày tỏ sự vui mừng khi trường được tuyển sinh diễn viên cải lương trở lại.

“Để đảm bảo chất lượng đào tạo, quan trọng nhất là nguồn tuyển sinh phải tốt rồi đội ngũ giảng viên có trình độ, tận tụy. Thực tế tình hình sân khấu hiện nay khiến nguồn tuyển sinh gặp nhiều khó khăn thì phải chịu khó đi tìm, chịu khó đi nghe - xem các nơi, nhất là từ đồng bằng sông Cửu Long, để “đãi cát tìm vàng”. Có nguồn tốt là tiền đề để đào tạo tốt”, NSƯT Ca Lê Hồng nói.

Tuy nhiên, niềm vui của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp.HCM chưa trọn vẹn khi công tác đào tạo nhạc công cải lương tiếp tục gián đoạn. Theo nhạc sĩ, NSƯT Văn Môn - giảng viên, phụ trách Khoa Kịch hát dân tộc thì việc đào tạo nhạc công vẫn dừng lại ở hệ trung cấp, chưa kịp nâng lên bậc cao đẳng khi trường chuyển từ cao đẳng lên đại học. Trong khi theo chủ trương chung, việc đào tạo trung cấp hay nâng lên bậc cao đẳng ở các trường đại học hiện nay đều không được khuyến khích.

“Trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác tuyển sinh vừa qua, nhà trường cũng mong muốn được mở lại 2 chuyên ngành diễn viên và nhạc công cải lương nhưng vì ràng buộc quy chế, tạm thời chỉ có thể tuyển sinh hệ cao đẳng diễn viên cải lương. Việc đào tạo nhạc công cần nhanh chóng có hướng giải quyết khi đây là lực lượng có nguy cơ mai một”,  NSƯT Văn Môn chia sẻ.

Vì vậy, giải pháp căn cơ vẫn là chuẩn hóa theo quy định. Theo đó, nhà trường đang gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn cũng như đổi mới chương trình học để hoàn chỉnh mã ngành đại học đối với diễn viên sân khấu kịch hát và cả nhạc công kịch hát dân tộc.

NSƯT Hải Yến, Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu, Hội Văn nghệ Đồng Tháp bày tỏ: "Tôi là người theo sát thực tế, biết có nhiều bạn trẻ năng khiếu nhưng không có điều kiện ăn học tới nơi tới chốn, nên chỉ có thể làm theo kiểu hợp đồng tạm thời với các đơn vị chứ không vào diện chính thức được. Hoặc người có năng khiếu muốn học nâng cao hơn nữa cũng không vào được trường lớp. Cải lương đang rất cần đội ngũ kế thừa, cần tạo điều kiện cho lực lượng trẻ làm nghề".

Nhìn nhận chất lượng tuyển sinh và đào tạo một thời gian dài chưa đáp ứng được yêu cầu, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp.HCM mong muốn nhân cơ hội trở lại lần này để nâng chất, đổi mới toàn diện phương thức đào tạo. Chương trình giảng dạy đã tăng hàm lượng kiến thức chuyên môn so với học phần đại cương, đồng thời bổ sung môn học phát triển kỹ năng mềm (làm quen các loại nhạc cụ, dân ca và ca nhạc hơi hướng cải biên, nói trước công chúng…).

Đặc biệt, nhà trường sẽ chú trọng thực hành với việc tổ chức lại câu lạc bộ sân khấu cho sinh viên biểu diễn trong trường và có kế hoạch gửi sinh viên về các đoàn hát thực tập trong dịp hè.