Tiêu dùng & Dư luận

Lo sợ Covid-19, nhà nhà đổ xô mua cam và nước cam vắt sẵn

Theo các tiểu thương, hoa quả như bưởi, cam, quýt là các mặt hàng được nhiều người mua sắm nhất, có người mua đến hàng chục kg về cho cả nhà ăn dần.

Theo khảo sát của PV báo Tiền Phong tại cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội), cam Hà Giang được bán với giá 30.000 đồng/kg nhưng cũng luôn trong tình trạng cháy hàng. Nhân viên cửa hàng cho biết, cam tại cửa hàng theo tiêu chuẩn VietGap. Số lượng bán nhiều hơn gấp 3, 4 lần trước đây. Giá bán ít thay đổi nhưng số lượng bán ra nhiều giúp thu lợi nhiều hơn.

Người người đổ xô đi mua cam Hà Giang để tăng sức đề kháng phòng dịch Covid-19

Còn theo khảo sát tại các siêu thị lớn như Big C, coopmart, Lotte…, các loại hoa quả giàu sức đề kháng như: cam, chuối, kiwi… được nhiều khách hàng lựa chọn.

Đại diện siêu thị Coop mart Hà Đông cho biết, từ hơn một tuần nay, khách hàng mua sắm tại siêu thị tăng đột biến. Ngoài việc cháy hàng khẩu trang, nước rửa tay, hoa quả giàu sức đề kháng có số lượng mua tăng mạnh. Theo đó, hoa quả như bưởi, cam, quýt là các mặt hàng được nhiều người mua sắm nhất. “Rất có thể người dân mua về để tăng sức đề kháng cho cơ thể, có người mua đến hàng chục ký cam, chanh, bưởi”, vị này cho hay.

Chia sẻ với báo Thanh niên, một số tiểu thương tại chợ Tân Định (quận 1) cũng cho hay các mặt hàng trái cây, nhất là các loại chứa nhiều Vitamin C như là cam, quýt trong thời gian này bán nhiều hơn gấp 3, 4 lần trước đây. Giá bán ít thay đổi nhưng số lượng bán ra nhiều giúp thu lợi nhiều hơn.

“Đang dịch Covid-19 mà chúng tôi đi buôn bán ngồi giữa chợ búa thì cũng có lo lo, ra Tết mọi năm thường ế ẩm nhưng năm nay số lượng bán ra nhiều có khi ngang với những ngày cận Tết”, anh Văn Hải (tiểu thương trái cây chợ Tân Định) chia sẻ.

Rất nhiều tiểu thương bán cam quả kèm nước cam nhưng không rõ chất lượng.

Ngoài các mặt hàng trái cây giàu vitamin C đang hút khách thì các sản phẩm được chế biến sẵn từ các loại trái cây này như: nước chanh sả, chanh đào mật ong, nước cam sả… cũng được khách hàng đặt mua rầm rộ tại các cửa hàng lẫn qua các trang mạng xã hội.

Chị Thu Cúc, kinh doanh các mặt hàng chế biến từ trái cây bán trên mạng xã hội cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán ra hơn 100 lọ chanh đào, 100 lọ nước chanh sả… tăng gấp ba lần so với trước đây.

Theo đó, một lọ chanh đào ngâm mật ong có giá dao động từ 150.000 - 950.000 đồng, tùy dung lượng; nước chanh sả mật ong có giá từ 20.000 - 60.000 đồng/chai, tùy dung lượng. Hầu hết các mặt hàng này chỉ tăng nhẹ từ 5.000 - 7.000 đồng/lọ.

Còn chị Bích Hồng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, ban đầu chị chỉ nấu nước chanh sả mật ong để làm quà tặng và chia sẻ kinh nghiệm cho bạn bè về công dụng của việc uống nước này để tăng sức đề kháng trong mùa dịch bệnh, tuy nhiên khi mọi người dùng thử. Sau đó, mọi người có nhu cầu mua thêm nên chị bán qua mạng. Cũng đang trong mùa dịch nên nhiều người lựa chọn mua qua mạng thay vì trực tiếp đến mua.

“Nước được cho vào chai thuỷ tinh, bán với giá từ 35.000 - 45.000 đồng/chai, đảm bảo an toàn vệ sinh từ khâu chọn lựa nguyên liệu đến chai đựng nước. Trung bình mỗi ngày mình bán được từ 50 - 70 chai và hiện có nhiều người vẫn đặt mình nấu mỗi ngày”, chị Hồng nói.

Video Người nhiễm Covid-19 đã bình phục vẫn có thể lây lan virus corona?

Trong khi đó, ghi nhận của PV báo Lao động, chỉ trên một đoạn đường ngắn thuộc phố Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội), có tới 5 chiếc xe đạp với 2 giỏ đựng đầy cam đỗ ven đường. Khách hàng tới mua nườm nượp khiến tiểu thương vắt không kịp. 

Một khách hàng chia sẻ, thời gian trước chị thường mua cam về vắt cho cả nhà uống. Tuy nhiên do gần đây công việc bận rộn nên thường mua nước cam vắt sẵn và được đóng thành từng chai để tiết kiệm thời gian.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế), việc người dân mua nước cam vắt sẵn, chế biến ngay bên đường và bán tại ven đường có nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe.

"Khi mua thực phẩm chế biến sẵn, chúng ta không biết rõ nguồn gốc và chất lượng của thực phẩm, người chế biến thực phẩm có đảm bảo vệ sinh và sức khỏe, rồi trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh hay không, ngoài ra thì chất lượng không khí và môi trường làm ô nhiễm thực phẩm,...”.

Theo ông Tiến, để đảm bảo an toàn khi sử dụng hoa quả, người nội trợ phải tự đề phòng cho chính mình và gia đình bằng cách: Hạn chế mua những hoa quả trái vụ, không mua hoa quả đã gọt vỏ và cắt sẵn, rửa sạch hoa quả dưới vòi nước gọt sạch vỏ trước khi ăn,...

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)