Đối thoại

Lo ngại trục lợi bảo hiểm nếu bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi mua thuốc

Đại diện BHXH Việt Nam lo ngại nếu tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong bệnh viện kéo dài sẽ dẫn đến nhiều rủi ro khó khắc phục.

Thời gian qua, việc thiếu thuốc, vật tư y tế trong bệnh viện khiến người bệnh phải bỏ tiền túi ra mua thuốc ở ngoài, bù đắp lại những thuốc thiếu do bảo hiểm y tế cung cấp là vấn đề được quan tâm tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, BHTN do Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) tổ chức sáng nay (26/10).

Trả lời nội dung này, ông Lê Văn Phúc – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH khẳng định những khoản chi này của bệnh nhân sẽ được chi trả trong thời gian tới.

“Việc người bệnh phải đi mua thuốc là ngoài ý muốn, vì bệnh viên không đủ thuốc hoặc không có thuốc mà người bệnh phải sử dụng”, ông Phúc nói.

Ở đây, đại diện BHXH Việt Nam đưa ra những rủi ro đối với vấn đền này. Khi phải tự mua thuốc, người bệnh tự bỏ tiền túi nhưng chất lượng thuốc không được như trong bệnh viện.

Cùng với đó, nếu có phương án chi trả cho bệnh nhân sẽ vướng vào rất nhiều thủ tục, phía BHXH phải giám định, xem lại bệnh án, ký xác nhận, gây mất thời gian và nhiều khó khăn.

Người bệnh phải bỏ tiền túi ra mua thuốc ở ngoài dẫn đến nhiều bất cập (Ảnh: Trọng Tùng).

Bất cập tiếp theo được nêu là khó tránh được tình trạng lạm dụng, trục lợi, “Khi tự đi mua thuốc đặt ra câu hỏi giá cả thế nào ? Hoá đơn mua thuốc ra sao ? Chưa kể có chuyện thân quen trong bệnh viện, chỉ định các loại thuốc và vật tư y tế mua ở ngoài để BHXH thanh toán. Đây là hệ luỵ của việc bệnh nhân tự đi mua thuốc.

Ngoài ra, việc này sẽ dẫn đến thông lệ không có thuốc bệnh viện sẽ chỉ định người bệnh ra ngoài mua và BHXH thanh toán”, ông Phúc lo ngại.

Trong thời gian tới cần có đẩy đủ thuốc và trang thiết bị, đối với những người đã được chỉ định mua thuốc, BHXH Việt Nam cho biết đang chờ thông tin Bộ Y tế có những chỉ đạo tiếp theo để chi trả cho bệnh nhân.

“Treo” thanh toán bảo hiểm

Trước câu hỏi của báo chí về việc quỹ BHYT chậm thanh toán cho các bệnh viện, khiến nhiều nơi lao đao vì không có nguồn kinh phí duy trì hoạt động ổn định hằng ngày.  

Về vấn đề này, ông Phúc khẳng định đây không phải “treo” tiền bảo hiểm, mà là vượt tổng mực thanh toán theo quy định tại Nghị định 146 của Chính phủ.

“Năm 2021, có những đặc thù về thanh toán bảo hiểm vì vậy Bộ Y tế đang trình Chính phủ xử lý. Tuy nhiên, việc này đã xảy ra cả những năm trước và chỉ một vài cơ sở khám chữa bệnh gặp phải vượt tổng mức thanh toán khi áp dụng cách tính tổng mức thanh toán theo nghị định”, ông Phúc giải thích.

Theo ông Phúc vượt tổng mức thanh toán có nhiều nguyên nhân, nhưng chúng ta không thể không xem xét đến nguyên nhân do cơ sở khám chữa bệnh tăng chỉ định điều trị kỹ thuật, tăng sử dụng những loại thuốc biệt dược cấp khi không cần thiết.

Liên quan chi phí bảo hiểm tồn đọng, chi phí bảo hiểm chưa được thanh toán, BHXH VN cũng đã chỉ đạo xử lý và cố gắng giải quyết trong thời gian tới đây.

Cũng tại buổi họp báo, ông Đinh Duy Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ-thẻ, BHXH VN cho biết số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 14.577 tỷ đồng, chiếm 3,38% số phải thu.

Nguyên nhân của tình trạng chậm đóng chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một số doanh nghiệp chưa cao; cố tình dây dưa, chây ỳ để nợ kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, thông qua công tác thanh tra về đóng BHXH, BHYT, BHTN đã thu hồi 4.383 tỷ đồng. Trong đó năm 2021 là 2.445 tỷ đồng, 9 tháng năm 2022 là 1.938 tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra đã phát hiện tới 92.380 người chưa tham gia (năm 2021 là 42.000 người, 9 tháng năm 2022 là 50.380 người); đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức đóng với số tiền truy đóng là 246,6 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 127,5 tỷ đồng, 9 tháng năm 2022 là 119 tỷ đồng). Từ đó, góp phần vào việc tăng thu, phát triển người tham gia bảo hiểm.