Sức khỏe

Lo lắng thiếu dịch đặc trị sốt xuất huyết

Dịch CPT 6% dùng cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sốc nặng đang rất hạn chế về nguồn cung.

Theo số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 7 tháng đầu năm, cả nước có trên 100.000 ca mắc sốt xuất huyết với hơn chục trường hợp tử vong.

Theo tìm hiểu của PV báo Thanh Niên, hiện các bệnh viện đang lo lắng dịch cao phân tử (CPT) trọng lượng 200.000 dalton, còn gọi là dung dịch phân tử 6% (HES 200.000 dalton, gọi tắt là dịch CPT 6%) điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, sốc bị đứt hàng vì hãng cung cấp sản phẩm tuyên bố ngừng sản xuất.

Dịch CPT 6% dùng cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sốc nặng đang rất hạn chế về nguồn cung.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM: "Bệnh nhân SXH tái sốc sẽ được chỉ định dùng dịch CPT 6%. Nếu không, bệnh nặng khó có thể được cứu chữa".

Cũng theo bác sĩ Trường, nếu không còn dịch CPT 6% thì BV phải xài các loại dịch CPT khác (dextran 40, dextran 70...), nhưng các loại dịch CPT này gây tình trạng rối loạn đông máu, dị ứng... nhiều hơn so với dịch CPT 6%.

Theo Cục Quản lý dược, ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc, Cục đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc; hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại VN để Cục xem xét, cấp phép nhập khẩu nhằm đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ.

Theo báo cáo ngày 4/7/2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia.

Từ đầu năm đến nay, Philippines đã ghi nhận 92.267 trường hợp mắc, trong đó có 398 trường hợp tử vong, số mắc tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Malaysia đã ghi nhận 62.421 trường hợp mắc, trong đó có 93 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Nhiều nước như: Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc... đã ghi nhận số mắc bệnh hàng tuần tăng cao so với cùng kỳ 2018 và dự báo còn diễn biến phức tạp, gia tăng trong thời gian tới.

Theo các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tình trạng tái sốc sốt xuất huyết trong mùa bệnh năm nay xảy ra khá nhiều, có bệnh nhi tái sốc nhiều lần nguy hiểm tới tính mạng.

Được biết, nhiều trường hợp bệnh nhi bị tái sốc, tổn thương cơ quan nội tạng như thận, gan, trong trường hợp quá nặng, các bác sĩ phải tiến hành lọc máu.

Ngoài ra, cần theo dõi sát sao để cấp cứu kịp thời, bởi sốc sốt xuất huyết kéo dài sẽ có nguy cơ tiến triển thành sốc không hồi phục và dễ dẫn đến tử vong.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, trên địa bàn tỉnh hiện đã ghi nhận sự có mặt của 3 tuýp virus sốt xuất huyết là D1, D2, D4. Qua phân lập mẫu virus thì tuýp D2 chiếm ưu thế với tỷ lệ trên 78%.

Tính đến ngày 30/6/2019 cả nước ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 người tử vong.

Trong tuần thứ 2 của tháng 9, toàn tỉnh có trên 760 ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết.

Hiện nay, đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống.

Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế và các cấp chính quyền, để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. 

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. 

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Minh Anh (Tổng hợp)