Hồ sơ

Lỗ sâu 12km dưới lòng đất ở Nga: Những đồn đại kỳ bí về con đường "chạm tới Địa ngục"

Được mệnh danh là “Giếng Địa ngục”, nó đã bị bỏ hoang từ lâu, nhưng vẫn là lỗ khoan sâu nhất trên thế giới và nổi tiếng bởi những lời đồn đại kỳ bí và những câu chuyện hoang đường.

Quá trình khoan bắt đầu vào ngày 1/1/1984.

Giống như mọi địa điểm bí hiểm khác, lỗ khoan Kola (sâu 12,226km và rộng 23 cm) có một truyền thuyết đáng sợ, được đặt tên là “Giếng Địa ngục”.

Theo truyền thuyết này, khi mũi khoan đạt độ sâu 12km, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một khoang có nhiệt độ trên 1.000 độ C. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã đưa một chiếc micro chống nhiệt xuống đó và ghi lại tiếng la hét được cho là của những người bị hành hạ dưới đó. Vì lý do này, người ta mới đồn rằng mũi khoan đã chạm tới “Địa ngục”.

Tất nhiên, câu chuyện nói trên nhanh chóng được chứng minh là ngớ ngẩn. Bởi không có micro nào có thể chịu được nhiệt 1.000 độ C. Cùng với đó, quá trình khoan đã dừng lại ở độ sâu 12.262m, nói nhiệt độ chỉ vào khoảng 200 độ C.

Mặc dù vậy, David Guberman, người đứng đầu cơ sở khoan thừa nhận có một sự cố kỳ lạ xảy ra tại địa điểm này vào năm 1995.

Tại sao nó được tạo ra?

Lỗ khoan Kola nằm ở bán đảo Kola, thuộc vùng Murmansk của Nga. Lỗ khoan này được tạo ra trong một phần của Dự án USSR Superdeep Bored. Có 12 lỗ khoan siêu sâu như vậy đã được khoan, bao gồm lỗ khoan Ural Superdeep (6 km) và lỗ khoan Yen-Yakhin (8,25 km).

Mục đích của dự án là kiểm tra các lớp vỏ của Trái đất ở dưới các độ sâu chưa được khám phá tới. Không giống như các lỗ khoan khác, được khoan để tìm kiếm các mỏ dầu hoặc khí đốt, lỗ Kola được tạo ra hoàn toàn cho mục đích khoa học: Nghiên cứu thành phần bên trong của vỏ Trái đất.

Việc tiến hành khoan vẫn tiếp tục từ năm 1978 đến năm 1992. Địa điểm khoan được các nhà khoa học lựa chọn một cách tỉ mỉ. Bán đảo Kola là phần trên của khiên Baltic - một lớp vỏ khổng lồ bao gồm đá granit và khoáng chất phun trào từ bên dưới khoảng 3 tỷ năm trước.

Đây là một trong những lớp khiên lâu đời nhất của Trái đất. Đó là lý do tại sao nghiên cứu rất quan trọng (và mang tính cách mạng).

Xuống tâm Trái đất

Lỗ khoan chia thành nhiều nhánh khi xuống sâu dưới Trái đất.

Trong bốn năm đầu tiên, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, với mũi khoan đạt độ sâu 7 km. Sau đó, một máy khoan bổ sung được lắp đặt với thiết bị khoan cuối cùng nặng 200 tấn.

Từ lỗ khoan ban đầu, có thêm nhiều lỗ khoan khác được khoan tách ra và các đường khoan bắt đầu cong hơn, bởi mũi khoan phải đi vòng quanh các lớp đá nền cứng.

Đến năm 1983, độ sâu đã vượt quá 12 km, nhưng vào năm 1984, một sự cố đã xảy ra - trục khoan chính bị hỏng và quá trình khoan phải được khởi động lại từ độ sâu 7.000m một lần nữa.

Đến năm 1990, độ sâu đã đạt tới 12.262m, nhưng mũi khoan một lần nữa lại vỡ - và đây cũng là lần cuối cùng. Sau đó, công cuộc khoan sâu vào tâm Trái đất dừng lại. Kể từ đó đến nay, lỗ khoan Kola vẫn là lỗ sâu nhất trên thế giới.

Năm 1995, 5 năm sau khi quá trình khoan dừng lại, một vụ nổ không rõ nguyên nhân đã xảy ra tại đây. Thậm chí David Guberman nói rằng ông không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra. Lỗ khoan đã trở thành một bí ẩn sau này.

Trong khi đó, nghiên cứu về lỗ khoan Kola đã đảo ngược tất cả các quan niệm trước đây về thành phần vỏ Trái đất. Nó đã đóng góp đáng kể vào nghiên cứu về vùng gián đoạn Moho - ranh giới giữa lớp vỏ Trái đất và lớp phủ.

Tuy nhiên, nghiên cứu Kola không mang lại bất kỳ câu trả lời sẵn có nào - nó chỉ đặt ra thêm nhiều câu hỏi hơn. Phát hiện rõ ràng nhất là dưới 4 km, nhiệt độ bắt đầu tăng đột ngột, đạt hơn 220 C ở độ sâu 12 km.

Hiện tại, cơ sở nơi đặt lỗ khoan Kola bị bỏ hoang và bị người dân địa phương tháo dỡ. Lỗ khoan rộng 23 cm hiện được niêm phong bằng nắp kim loại, trong khi cơ sở khoa học nghiên cứu lỗ khoan Kola cũng giải thể năm 2008.