Sự kiện

TP.HCM cảnh giác nguy cơ Covid-19 xâm nhập từ cảng biển

Trước nhận định về nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các tàu thủy quốc tế neo đậu tại các cảng hàng hải, TP.HCM đã kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ những nơi này.

Báo cáo tại cuộc họp phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng 10/5, Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định, bên cạnh đường hàng không và đường bộ, tình hình đường thủy rất đáng lo ngại.

“Chỗ cảng biển, về mặt nào đó cũng có nguy cơ như hàng không vì tàu thuyền khá đông, lưu trú dài ngày”, ông Bỉnh đánh giá.

Người đứng đầu trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) là bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cũng băn khoăn khi vừa phát hiện 3 trong 19 thuyền viên trên 1 tàu biển đã dương tính với Covid-19. Lực lượng chức năng đã truy vết 74 F1, tất cả kết quả xét nghiệm đều âm tính. 

Từ đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các ban, ngành và quận, huyện cần chú ý vấn đề này. Bởi lẽ, địa phương có đến 60 cảng hàng hải lớn nhỏ bên cạnh 1 sân bay quốc tế.

Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các tàu thủy quốc tế neo đậu tại các hàng hải cũng tương tự máy bay quốc tế tại các cảng hàng không.

Đại diện cảng vụ Hàng hải TP.HCM báo cáo, vào ngày 30/4, tàu MD-SUN có 18 thuyền viên cập cảng. Sau khi cách ly tập trung, phát hiện 1 trường hợp dương tính với Covid-19 nên cơ quan này yêu cầu ngưng đưa người từ thuyền lên bờ, xác minh những người xuống tàu làm việc.

“Người từ trên bờ xuống tàu làm việc thì phải có giấy phép của Bộ đội biên phòng. Khi thuyền viên lên tàu cũng phải chịu sự giám sát tương tự”, phía cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM tiếp lời: “Tàu này đang vận chuyển hàng hóa nên chúng tôi phối hợp cảng vụ để truy vết cho HCDC”.

Tuy nhiên, việc truy vết gặp nhiều khó khăn, có những trường hợp không giám sát được. Cụ thể là trong danh sách thuyền viên, có những người gọi điện thoại không nghe máy, tìm đến địa chỉ họ cung cấp thì không có.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt ra câu hỏi: “Trách nhiệm lên xuống tàu thì ai quản lý?”. 

Đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết: “Biên phòng kiểm tra trên cơ sở chủ tàu đại lý, không thể không cho lên”.

Ông Phong giao nhiệm vụ cho Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu “xác định quy trình chặt chẽ, bộ đội biên phòng tại các chốt phải nghiêm ngặt”.

“Giả định 1 thuyền viên có vấn đề, những người còn lại là F1 hết. Nếu về gia đình là F2, phải tiếp tục theo dõi. Đừng bằng lòng khi các F1 âm tính lần đầu, có thể phải trả giá. Như các ca bệnh tại Hà Nam, Hà Tiên (Kiên Giang)… ai cũng nghĩ xong 14 ngày là tạm an lòng nhưng không phải vậy đâu. Biến thể này khác xưa nên phải quyết liệt chặt chẽ”, ông Phong nhấn mạnh.

Trong ngày 9/5, TP.HCM không ghi nhận trường hợp nhiễm mới Covid-19. Số trường hợp nhiễm bệnh đã phát hiện tại Thành phố này là 267, trong đó 243 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 24 trường hợp đang điều trị.

Địa phương ghi nhận 1 trường hợp tái dương tính cư ngụ tại quận 3. Thành phố đã truy vết được 72 trường hợp F1, 378 trường hợp tiếp xúc khác. Tất cả đều có kết quả âm tính.

Trong việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 2, TP.HCM triển khai với tổng số nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất được tiêm là 57.631 người. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi và hiện tất cả đều ổn định.