Tài chính - Ngân hàng

Lộ diện tân Tổng Giám đốc 8x của MB

Tân Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh từng giữ chức danh Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành MB và đã đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng giám đốc từ ngày 12/4.

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn về việc chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) đối với ông Phạm Như Ánh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành.

Từ hôm nay (18/5), ông Phạm Như Ánh chính thức trở thành Tổng giám đốc MB. Trước đó, HĐQT MB đã tiến hành các thủ tục để bổ nhiệm ông Phạm Như Ánh vào chức danh Tổng Giám đốc theo quy định của pháp luật và quy định của MB.

Ông Ánh từng được HĐQT MB giao giữ chức danh Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành MB và đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng giám đốc từ ngày 12/4, sau khi ông Lưu Trung Thái được bầu làm Chủ tịch HĐQT.

Ông Ánh sinh năm 1980, được ngân hàng giới thiệu là tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh - Viện Quản trị kinh doanh UBI - Bỉ và là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng.

Tại MB, ông Ánh từng đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn và quản lý của ngân hàng như Giám đốc chi nhánh, Giám đốc khối, Thành viên Ban điều hành…

Tân Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh.

Về tình hình kinh doanh của MB dưới sự điều hành của ông Ánh, quý I/2023, ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 6.512 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước nhờ giảm 13% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh là nguồn thu tăng trưởng duy nhất trong quý đầu năm của MB khi thu được hơn 10.227 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, hầu hết các khoản thu ngoài lãi của ngân hàng đều sụt giảm. Theo đó, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 38%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 21%, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng giảm 63% và lãi từ chứng khoán đầu tư giảm 87%.

 

Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của nhà băng này đạt hơn 760.761 tỷ đồng, mở rộng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm 21%, xuống mức 2.965 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 52%, còn 19.077 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng nhẹ 5%, lên mức 481.386 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng nợ xấu tăng đến 68% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận hơn 8.453 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng mạnh nhất, đẩy tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,09% đầu năm lên 1,76%.